Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 19:49 GMT+7

Tin hoạt động

Công ty TNHH MTV Khoáng sản: Hiệu quả sáng kiến "Chế biến, sàng tuyển than sâu"

06/10/2014

Hết năm 2013, Công ty đã bốc, xúc được gần 15 triệu m3 đất đá, khai thác trên 650.000 tấn than nguyên khai, tổng doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng và thu nhập bình quân của người lao động gần 9 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2014 đến nay, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người lao động đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Có được thành công này là việc không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo trong điều hành sản xuất, kinh doanh, phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó của toàn thể CBCNV-LĐ trong Công ty. Đảng uỷ, Ban Giám đốc đã biết phát huy cao độ tinh thần lao động sáng tạo trong cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng hàng loạt các đề tài, sáng kiến vào sản xuất, nên đã tăng cường năng suất lao động, tiết giảm chi phí trong quá trình vận hành thiết bị.

Hàng năm, Công ty TNHH MTV Khoáng sản luôn có hàng chục đề tài, sáng kiến được áp dụng, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, tiêu biểu nhất, dễ vận dụng nhất là sáng kiến về giải pháp hợp lý công nghệ sàng tuyển, chế biến, tuyển rửa than, nâng cấp phẩm cấp than (thường được gọi là sáng kiến chế biến, sàng tuyển than sâu), được triển khai từ cuối năm 2012 và được nhân rộng ra các phân xưởng, công trường từ đầu năm 2014 này. Từ cuối năm 2011, Công ty đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao nhiệm vụ mua đất, đá lẫn than của các doanh nghiệp ngành Than để chế biến, tiêu thụ, kết hợp với san lấp mặt bằng phục vụ dự án cụm công nghiệp Cẩm Phả tại cảng 10-10 của Vinacomin. Yêu cầu của Tập đoàn là than sau chế biến từ đá lẫn than phải đạt từ cám 6b trở lên. Đặc biệt ở thời điểm này, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, trong nước, số lượng than tiêu thụ giảm, nhất là những loại than có phẩm cấp thấp như 7b, 7c, trong khi đó, do sử dụng công nghệ truyền thống, sản phẩm chế biến than từ đất đá lẫn than của đơn vị chủ yếu thuộc loại này. Làm thế nào để nâng cao phẩm cấp than là câu hỏi thường trực ngày đêm làm đau đầu những người lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo Công ty đã cử hàng chục đoàn công tác đến tham quan, tìm hiểu mô hình sàng tuyển than ở nhiều doanh nghiệp trong nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì thấy rằng, các công nghệ đó đều có số vốn đầu tư rất lớn, không phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.


“Trong cái khó, ló cái khôn”, mỗi lần đi tham quan thực tế, cán bộ kỹ thuật của Công ty đều ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết kỹ thuật của thiết bị để học tập. Sau nhiều lần hội nghị bàn bạc, cuối cùng Ban Giám đốc cũng đưa ra được giải pháp đó là phát huy khả năng hiện có, tự nghiên cứu hệ thống tuyển rửa than để nâng cấp phẩm cấp than từ đất đá lẫn xít tại cảng 10-10. Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Giám đốc Công ty trực tiếp chỉ huy và bố trí những cán bộ có nhiều kinh nghiệm nhất tham gia. Theo kế hoạch Tập đoàn giao cho Công ty năm 2012 là 1 triệu m3 đất đá lẫn than và trong năm 2011 còn tồn trên 86.000m3 nữa. Để giải quyết được lượng đất đá này, Ban Chỉ đạo bố trí toàn bộ lượng đất đá lẫn than trên vào nhà khô ba cấp hiện đại. Đồng thời, đơn vị nghiên cứu lắp đặt hệ thống bể nước, đường ống dẫn nước, băng tải than, đá, xít theo mô hình sàng ba cấp. Tại mỗi đầu băng tải đều có các hệ thống phun sương chống bụi cùng với đó, đơn vị bố trí tôn che chắn không cho bụi phát tán ra môi trường xung quanh trong quá trình tuyển rửa. Với việc bố trí như vậy, quá trình sàng tuyển sẽ tách được than cám, cục xô và đất, đá, xít và các sản phẩm trung gian khác. Sản phẩm sau sàng tuyển là than cục xô được bố trí máy xúc đưa ra ngoài và bố trí thợ thủ công nhặt phân loại, nên cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn cục 1c; than cám 7c, cỡ hạt từ 0,1-15mm thì dùng máy xúc cấp liệu vào hệ thống tuyển rửa chế biến sâu thành nhiều chủng loại than đạt tiêu chuẩn, có thể phục vụ được xuất khẩu. Ứng dụng mô hình này, hết năm 2012, đơn vị đã giải quyết xong số lượng đất đá lẫn than tồn và thu hồi về trên 335.000 tấn than.


Đồng chí Phạm Công, Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản khẳng định: Mô hình này được thiết kế rất đơn giản, chỉ cần một hệ thống băng tải cấp liệu than được thiết kế dây chuyền tuyển than cám theo kiểu tuyển nước ngược từ dưới lên trên và 1 hệ thống vắt khô than công nghệ ly tâm với số vốn đầu tư chỉ vài tỷ đồng, rẻ hơn rất nhiều so với một số doanh nghiệp trong ngành đầu tư. Nếu như trước đây chưa có công nghệ này, than lọc ra được khối lượng rất ít, chủ yếu là cám 7b. Còn bây giờ, có thể tuyển, rửa được than cám 3, cám 4, làm lợi cho doanh nghiệp trên 20 tỷ đồng. Từ mô hình này, hiện Công ty đã lắp đặt thêm dây chuyền nữa. Sáng kiến này đã được cấp trên khen thưởng và cho triển khai ra một số đơn vị thành viên khác.

Quang Minh