Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 05:03 GMT+7

Sản xuất bền vững

Công nghiệp hàng hải thế giới nỗ lực hạn chế ô nhiễm

30/10/2019

Các chủ tàu biển trên toàn thế giới đang nỗ lực cắt giảm các tác động gây ô nhiễm nặng nề do ngành công nghiệp hàng hải gây ra với môi trường bằng việc sử dụng năng lượng sạch. Một số khác lại tìm cách hạn chế tốc độ của các con tàu.
Phát triển nhiên liệu thay thế
Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cho biết, ngành công nghiệp hàng hải đang xem xét một số lựa chọn để thay thế dầu nhiên liệu nặng được vận hành cho 60.000 con tàu, bao gồm cả tàu container, và là loại nhiên liệu thường dùng trong vận tải hàng hóa toàn cầu.
Tuần trước, IMO đã có cuộc gặp với các đối tác ở các ngành công nghiệp khác tại London, Anh để thảo luận về các lựa chọn nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường trong ngành vận tải biển.
Tổng thư ký IMO Kitach Lim nói rằng, tham vọng của IMO chỉ có thể được thực hiện hóa bằng sự phát triển và ứng dụng của sáng tạo công nghệ cũng như sự ra đời của các nhiên liệu thay thế có thể thải ra ít CO2 hoặc không thải ra CO2.
Các công ty của Pháp đang tiên phong trong việc phát triển các loại tàu biển mới sử dụng khí tự nhiên ít gây ô nhiễm môi trường. Song loại tàu biển này đòi hỏi phải có phần máy móc và các thiết bị dự trữ nhiên liệu hợp lý.
Công nghệ này đang nhận được sự hỗ trợ từ các tập đoàn năng lượng như tập đoàn Shell của Hà Lan.
Theo Công ty vận tải biển Armateurs de France, lượng khí CO2 từ ngành vận tải biển chiếm 2,3% lượng khí thải CO2 thế giới. Trong khi đó, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng thế giới (ICAO), khí thải hàng không chiếm 2% lượng khí thải thế giới.
IMO đã quyết định từ năm sau hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu nặng sẽ bị cắt giảm xuống mức 0,5% từ mức 3,5% hiện nay.
Điều này dự kiến sẽ đạt được bằng cách sử dụng "máy lọc" hoặc hệ thống làm sạch khí thải được trang bị cho tàu, giúp giảm lượng lưu huỳnh thải ra môi trường.
Hay giảm tốc độ?
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển của Pháp ủng hộ việc giảm tốc độ của các con tàu để hạn chế ô nhiễm. Biện pháp này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ.
Theo Bộ Sinh thái và Chuyển đổi toàn diện của Pháp, với cách làm này, lợi ích sinh thái sẽ đạt được theo cấp số nhân. Thí dụ, một tàu chở dầu giảm tốc độ từ 12 xuống còn 11 hải lý (22,2 đến 20,4 km/ giờ) sẽ giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống 18%, và mức tiêu thụ nhiên liệu giảm được 30% nếu con tàu di chuyển chỉ với 10 hải lý/ giờ.
Tuy nhiên, giám đốc bộ phận hàng hải của IMO cho rằng, giảm tốc độ tàu biển chỉ là một trong nhiều lựa chọn đang được thảo luận, không phải là biện pháp duy nhất. Biện pháp này chỉ được một số công ty tàu biển ủng hộ. Một số khác cho rằng nếu giảm tốc độ tàu, sẽ phải cần nhiều con tàu hơn để chở hàng. Với một hải trình dài sẽ làm tăng thời gian lưu giữ hàng hóa trên tàu, khiến chi phí của người tiêu dùng bị đội lên.
Biện pháp này sẽ phải chờ tới các cuộc thảo luận tại phiên họp lần thứ 75 của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển diễn ra từ ngày 11 đến 15-11. Ngành hàng hải Pháp hy vọng giải pháp này sẽ nhận được sự ủng hộ vào năm 2020 để được thực thi vào năm 2023.
Trong khi ngành vận tải hàng hải thế giới vẫn đang cân nhắc các lựa chọn giảm ô nhiễm môi trường, người phụ trách ô nhiễm không khí và tiết kiệm năng lượng của IMO Edmund Hughes nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp tàu biển sẽ thay đổi vì chúng ta phải giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng ta phải cắt giảm khí thải CO2 càng sớm càng tốt”.
Nguồn: Báo Nhân dân