Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 10:17 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

17/10/2019

Thời gian qua, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu. Nhờ đó góp phần giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại HEVI. Ảnh: TIỂU MY
Từ khuyến khích sản xuất gạch không nung
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong những năm qua nguồn vốn khuyến công đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Theo đó, việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động hiệu quả. Với nội dung hỗ trợ thiết thực, nguồn vốn khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động trên các lĩnh vực chế biến, cơ khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ… có thêm điều kiện để đổi mới thiết bị, công nghệ áp dụng vào quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Tại huyện Bắc Tân Uyên, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tanoi. Hiện nay, sử dụng gạch không nung là một xu hướng tất yếu của toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chủ trương phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện bảo vệ và làm sạch môi trường sống.
Xuất phát từ yêu cầu nói trên, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương đã hỗ trợ công ty đầu tư dây chuyền ép gạch không nung để sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, chống cháy, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung. Từ đó giúp công ty giảm thiểu được kết cấu thép, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vữa xây, giá thành hạ trong xây dựng.
Sản phẩm sau khi được công ty sản xuất từ công nghệ, thiết bị tiên tiến bảo đảm chất lượng, quy cách chuẩn, phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Xây dựng công bố. Dây chuyền máy móc, thiết bị vận hành công ty đưa vào sử dụng bảo đảm được quy trình khép kín, tăng cao về năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự đồng đều trong từng sản phẩm, vừa sử dụng nguyên liệu hiệu quả. Sau khi được hỗ trợ đầu tư dây chuyền ép gạch không nung, ước tính doanh thu của công ty tăng từ 20 - 30%, các chi phí sản xuất và chi phí nhân công giảm 10 - 15%, lợi nhuận trước thuế tăng từ 15 - 30% so với trước.
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tanoi, cho biết trước đây khi chưa đầu tư dây chuyền ép rung, công ty sản xuất theo dây chuyền ép tĩnh cho năng suất không cao. Sau khi đầu tư dây chuyền các máy hoàn toàn điều khiển bằng tự động, sản phẩm làm ra đồng đều và đáp ứng về mặt kỹ thuật, rút ngắn được thời gian chỉnh sửa, tiết kiệm vật tư sản xuất, năng suất tăng từ 3 - 5 lần so với trước đây. Hiên nay, dây chuyền của công ty có thể sản xuất các loại gạch theo quy cách khác nhau, như QT 6-15 (loại 40 viên 180x80x80, 48 viên 180x80x40, loại 6 viên 390x190x190, loại 12 viên 390x90x190) và quan trọng là giảm chi phí nhân công (từ 5 nhân công xuống còn 1 nhân công).
Ông Anh cho biết thêm việc đầu tư sản xuất gạch không nung mang tính khả thi cao, làm sạch môi trường do không sử dụng các nhiên liệu đốt trực tiếp như củi, than, trấu; không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất nên không làm mất đất canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện dự án này, doanh nghiệp không dùng nhiên liệu như than, củi… để đốt nên tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và không thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường; tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương (các mỏ đá đang được khai thác tại huyện Bắc Tân Uyên).
Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung tại huyện Bắc Tân Uyên là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường đối với sản phẩm gạch không nung thân thiện môi trường. Sản xuất gạch không nung nhằm thay thế gạch đất sét nung truyền thống, đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng không nung của Chính phủ và địa phương.
Đến hỗ trợ dây chuyền tái chế sản xuất bao bì
Trước sự báo động về những tổn hại của môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người đòi hỏi các quốc gia trên thế giới nghiên cứu, tìm tòi nguyên liệu có thể tái sinh và thay đổi phương thức sản xuất an toàn, thân thiện cho môi trường sống.
Tại Bình Dương, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, ngành sản xuất bao bì nói chung và bao bì giấy nói riêng đang nỗ lực phát triển sản xuất theo hướng ngày càng thân thiện hơn với môi trường. Theo ông Trần Đỗ Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Cổphần Sản xuất Thương mại HEVI (TX.Bến Cát), xu hướng thân thiện với môi trường đã và đang được công ty chú trọng. Hiện các khách hàng đều yêu cầu sản phẩm làm ra phải thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ.
Trước đòi hỏi đó buộc các công ty phải đưa ra và phát triển các giải pháp đóng gói của riêng mình để có thể tái sử dụng được. Theo ông Bảo, việc phát triển các bao bì “xanh” không những mang lại hiệu quả về mặt sinh thái môi trường, hạn chế ô nhiễm mà còn góp phần giúp thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên tốt hơn trong mắt người tiêu dùng thông minh.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh cho biết việc hỗ trợ Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại HeVi thực hiện Đề án “Hỗtrợứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất giấy tổ ong” là hết sức cần thiết, góp phần phát triển ngành công nghiệp giấy, bao bì trên địa bàn tỉnh. Đây là ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp sản phẩm cho nhiều ngành sản xuất khác.
Sự thành công của đề án sẽ góp phần hoàn thiện hơn danh sách các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả của chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh; cùng với đó phát huy vai trò và hiệu quả của chính sách khuyến công trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến. Từ đó giúp tỉnh nhà phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách vững chắc.
Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại HeVi quyết định đầu tư sản xuất thêm dòng sản phẩm mới là giấy tổ ong. Hiện nay, giấy tổ ong được nhiều quốc gia trên thế giới tin dùng và sử dụng rộng rãi, không chỉ bởi tính năng gọn nhẹ, chắc chắn mà còn dễ phân hủy và có thể tái chế 100% thành nguyên liệu sản xuất giấy sau khi sử dụng. Từ đó, sản phẩm này góp phần thay đổi dần thói quen của người dân, hướng đến một môi trường sống lành mạnh.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh, trong thời gian tới nguồn vốn khuyến công tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả, như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến. Bên cạnh đó, nguồn vốn chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; tạo nhiều việc làm, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, nguồn vốn này ưu tiên cho các hoạt động sáng tạo, các chỉ số tác động về giá trị gia tăng, tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường.
Nguồn: Báo Bình Dương