Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:04 GMT+7

Tin hoạt động

Sử dụng gạch xây không nung thay thế gạch nung: Cần những giải pháp đồng bộ

03/10/2014

Năng lực dồi dào

Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo theo Quyết định số 567/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất gạch không nung, bao gồm các sản phẩm chính: gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt và tính đến thời điểm này, tổng công suất đầu tư trong toàn lĩnh vực này đạt khoảng 4,2 tỷ viên/năm; trong đó gạch xi măng cốt liệu đang đạt khoảng 70%, gạch nhẹ khoảng 28,6%.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc đã đầu tư khoảng hơn 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu, với công suất dưới 7 triệu viên/năm và khoảng 50 dây chuyền có công suất từ 7 đến 40 triệu viên/năm. Tổng công suất sản xuất gạch xi măng cốt liệu toàn xã hội hiện đạt khoảng 3 tỷ viên/năm với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Đối với sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp AAC: tính đến thời điểm này, trên toàn quốc đã có khoảng 22 doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền sản xuất với tổng công suất thiết kế 3,8 triệu m3/năm. Trong đó có 9 dự án (tổng công suất 1,5 triệu m3- tương đương 945 triệu viên/năm), giá trị đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đi vào sản xuất năm 2012. Ngoài ra còn 13 dự án hiện đang làm các thủ tục đầu tư với tổng công suất 2,3 triệu m3/năm.

Về gạch bê tông bọt: hiện nay có 17 cơ sở sản xuất với tổng công suất hơn 190.000m3, giá trị đầu tư khoảng 120 tỷ đồng.

Với năng lực và công suất như hiện nay, có thể thấy nguồn cung các sản phẩm gạch không nung rất dồi dào, có đủ khả năng đáp ứng cho các nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu sử dụng các sản phẩm gạch không nung hiện nay còn rất hạn chế.

Nhiều khó khăn trong tiêu thụ và sử dụng gạch không nung

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong khi năng lực sản xuất gạch không nung đạt khá cao thì việc tiêu thụ và sử dụng gạch không nung lại gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được mục tiêu của chương trình đề ra.

Theo số liệu thống kê của Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, đối với các sản phẩm gạch xi măng cốt liệu, thị trường tiêu thụ hiện nay cũng chỉ đạt 85- 90% lượng sản xuất (khoảng 2,7 tỷ viên); còn với DN sản xuất gạch nhẹ hiện chỉ khai thác đạt 20- 30% công suất, chỉ duy nhất 1 công ty đạt gần 50% công suất; tình hình tiêu thụ gạch nhẹ cũng rất hạn chế, đa số tiêu thụ được 50 -60% sản lượng, đơn vị tiêu thụ tốt nhất cũng chỉ đạt 90- 95% sản lượng, một số doanh nghiệp không tiêu thụ được nên đã phải ngừng sản xuất.

Nguyên nhân của thực trạng này đã được các bộ, ngành nhìn nhận, đó là do ảnh hưởng từ thói quen tiêu dùng của người dân vẫn thích sử dụng gạch nung đất sét có màu đỏ tươi và một yếu tố quan trọng nữa nếu tính tổng thể cả công trình, sử dụng gạch không nung đem lại nhiều lợi ích như: kết cấu công trình nhẹ và đặc biệt là các lợi ích về môi trường, tuy nhiên, nếu xét về phương diện kinh tế, thì chi phí xây dựng công trình sử dụng gạch không nung cao hơn sử dụng gạch nung. Đây chính là những trở ngại chính trong quá trình thực hiện chủ trương sử dụng gạch không nung thay thế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn gạch nung.

Cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Trước thực trạng trên, có thể thấy rằng, nguy cơ không hoàn thành được mục tiêu đến sau năm 2015, toàn bộ các công trình xây dựng phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung đang hiện hữu. Thực tế này, đòi hỏi các các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Về chính sách: Cần có những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các DN và cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất gạch xây không nung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, thuê đất, vốn vay… Đặc biệt, đối với các công trình xây dựng, cần có chính sách khuyến khích chủ đầu tư sử dụng gạch xây không nung.  Ngoài ra, cần tiến hành soát xét, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng gạch xây không nung, tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, thiết kế đưa gạch xây không nung vào công trình.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên, chính quyền các địa phương cần có những chế tài và biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế, tiến tới dần xóa bỏ tình trạng dễ dãi, tùy tiện trong các hoạt động khai thác và sử dụng nguyên liệu sản xuất gạch nung như hiện nay, có như vậy, mới tạo ra được một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm gạch không nung. Bởi thực tế hiện nay, do những nhà sản xuất gạch nung gần như không phải trả tiền nguyên liệu đất; mặt khác, nguyên liệu đốt thì lại khai thác tùy tiện từ rừng với giá rất rẻ nên giá thành sản phẩm gạch nung, nhất là gạch nung thủ công thường rất thấp so với giá trị thật của nó, điều này đã tạo ra một sức ép cạnh tranh lớn về giá đối với các sản phẩm gạch không nung.

Song song với những giải pháp về chính sách, chế tài nêu trên, về phía bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần có những cải tiến mạnh mẽ; không ngừng hoàn thiện công nghệ sản xuất gạch xây không nung; nghiên cứu ứng dụng nhằm tận dụng triệt để các nguồn phế thải công nghiệp như: tro xỉ, mạt đá trong công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Và một yếu tố góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu sử dụng gạch không nung thay thế gạch nung, đó chính là từ phía mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc từ bỏ thói quen truyền thống trong sản xuất và sử dụng gạch nung. Để đạt được điều đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị thông tin cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch; đồng thời thấy được những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng gạch xây không nung đối với lợi ích của chính họ cũng như của cả cộng đồng nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nước ta hiện đại, bền vững.