Theo bà Bế Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, Cao Bằng là tỉnh miền núi nghèo với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, hoạt động công nghiệp nông thôn, nhất là ở các địa phương vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn. Kiên trì thực hiện mục tiêu kéo gần khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong tỉnh, những năm qua, trung tâm đã triển khai nhiều đề án khuyến công hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn vùng khó khăn.
Cụ thể, trung tâm đã hỗ trợ Công ty TNHH 688 xây dựng mô hình trình diễn chế biến trúc. Theo kế hoạch, sau khi đạt 100% công suất, dự án sẽ tạo việc làm cho 350 lao động. Hiện mô hình đã bước đầu đi vào hoạt động, thu hút hơn 200 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hiện đã có mặt trên thị trường.
Trước đó, trung tâm đã phối hợp với Công ty CP Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng triển khai Đề án đào tạo nghề chế biến trúc tre cho hàng trăm lao động tại các huyện khó khăn của tỉnh như: Bảo Lạc, Thông Nông, Nguyên Bình. Sau khi đào tạo, lao động học nghề đã được công ty tuyển vào làm việc. Hiện sản phẩm (chiếu trúc, mành trúc…) của công ty tiêu thụ rất tốt và phần lớn dành cho xuất khẩu. Công ty hiện đã mở chi nhánh tại xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc nhằm huy động lao động tại chỗ chế biến nguyên liệu thô.
Mặc dù đã rất nỗ lực đưa chính sách khuyến công tới các vùng khó khăn, nhưng bà Bế Thị Hương cũng cho biết: Trong quá trình thực hiện, trung tâm đã gặp không ít trở ngại. Trong đó, trở ngại lớn nhất là trình độ nhận thức của người lao động khu vực nông thôn. Nhiều lao động có tay nghề cao nhưng không biết chữ, rất khó trong việc giúp nâng cao tay nghề, tiếp xúc với những kỹ thuật sản xuất mới.
Bên cạnh đó, quy mô của các cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh Cao Bằng còn rất nhỏ lẻ, phân tán. Cơ sở hạ tầng, giao thông không thuận lợi gây cản trở không ít cho việc tiếp cận cơ sở và triển khai các đề án. “Có thời điểm trung tâm triển khai đào tạo ngành nghề truyền thống cho các cơ sở rèn tại các huyện Thông Nông, Hà Quảng, chúng tôi đã phải đi bộ từ đỉnh núi tới chân dốc” - bà Bế Thị Hương chia sẻ.
Cao Bằng là tỉnh miền núi khó khăn nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ đặc thù, vẫn áp dụng theo chính sách chung của cả nước. Trong khi đó, mức hỗ trợ nhìn chung còn hạn chế, thủ tục hành chính phức tạp nên chưa hấp dẫn được các cơ sở tham gia và thụ hưởng. Thông tin về chính sách khuyến công còn chưa được phổ biến rộng rãi.
Bà Bế Thị Hương cũng cho biết: Theo Thông tư 26/2014/TTLT-BTC-BCT, mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công tăng đáng kể, sẽ thu hút hơn nữa sự quan tâm của các cơ sở. Cao Bằng cũng đang xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về khuyến công giai đoạn 2015-2020. Dự thảo nghị quyết đã đưa qua Sở Tư pháp thẩm định và chờ lấy ý kiến các ban ngành. Đây là cơ sở để đưa chính sách khuyến công phù hợp với đặc thù của Cao Bằng, đồng thời mở rộng hơn đối tượng, phạm vi thụ hưởng.
Trung tâm cũng có kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác khuyến công và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Dự kiến sẽ đăng ký phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng chương trình và tăng thời lượng phát sóng (có thể 1 tuần 2 lần) nhằm mở rộng tuyên truyền hơn nữa về chính sách khuyến công./.