Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 09:16 GMT+7

Tin hoạt động

Vĩnh Phúc tiếp sức cho công nghiệp nông thôn phát triển

27/07/2017

Vĩnh Phúc hiện có gần 20.000 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn. Các cơ sở này đã tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân  3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc vẫn còn những khó khăn do số lượng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề còn ít, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất chưa có sự cải tiến phù hợp với năng lực sản xuất. Giữa các cơ sở sản xuất còn thiếu sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh của sản phẩm tiểu thiểu thủ công nghiệp thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao...

Nhằm tháo gỡ một phần khó khăn trên, thông qua chương trình khuyến công, Vĩnh Phúc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn phát triển sản xuất. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc tích cực triển khai hỗ trợ nguồn vốn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ máy móc phục vụ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo truyền nghề cho người lao động tại các cơ sở tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ thủ tục đăng ký bản quyền nhãn hiệu sản phẩm; tìm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp...

Từng có 20 năm kinh nghiệm làm nghề mộc, làm ăn nhiều nơi trên các vùng miền của Tổ quốc, anh Trần Văn Khanh ở thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trở về quê hương để gây dựng sự nghiệp. Ban đầu, xưởng sản xuất của anh Khanh chỉ có quy mô khiêm tốn và gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Song với tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, anh Khanh kiên trì và quyết tâm bám trụ với nghề. Năm 2016, xưởng sản xuất của anh Khanh được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ đầu tư thiết bị CMC nâng cấp hệ thống tự động hóa trong sản xuất đồ mộc với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Máy CMC là máy đục, chạm khắc gỗ, vận hành liên tục đến khi kết thúc quá trình đục trên sản phẩm. Máy có thể đục các chi tiết phức tạp, cho ra chất lượng sản phẩm đồng đều hàng loạt tới 99%, độ chính xác cao. Nhờ đó, cơ sở sản xuất mộc của anh Khanh giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 5,5 triệu/người/tháng, doanh thu mang lại cho cơ sở là 400 triệu đồng/tháng.  

Xuất phát điểm chỉ là cơ sở nhỏ sản xuất chăn ga gối đệm rồi gom bán cho các cơ sở lớn. Dần dần nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng cao, yêu cầu mẫu mã cũng đa dạng, năm 2012, gia đình chị Tạ Thị Dung ở thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc quyết định đầu tư, thành lập Công ty TNHH Tập đoàn Đông Sơn với diện tích nhà xưởng rộng hơn 3.000 m2. Có nhà xưởng rộng, gia đình chị mạnh dạn đầu tư mua 4 máy trần, máy thêu vi tính và 30 máy may công nghiệp thuộc hạng tiên tiến trên thế giới, dây chuyền máy đệm hơn chục tỷ đồng. Cũng từ đây, chăn, ga, gối, đệm của Công ty Đông Sơn được biết đến bởi một thương hiệu mới, nổi tiếng hơn đó là ESEUN.

Hiện mỗi ngày công ty sản xuất và tiêu thụ trên 5 tấn đệm bông ép, 600 – 700 bộ chăn ga, gối/tháng, doanh thu đạt hơn 30 tỷ đồng/năm. Công ty của gia đình chị Dung thu hút gần 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và chiến lược phát triển lâu dài của Công ty trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm, hoạt động trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường tiêu thụ rất quan trọng. Cuối năm 2016, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Sơn đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc hỗ trợ 80 triệu đồng đầu tư mới, mở rộng phòng trưng bày với mục đích đẩy mạnh xúc tiến thương mại rộng 300 m2, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Công ty TNHH Tập đoàn Đông Sơn thiết kế dàn dựng phòng trưng bày, trang trí lại hệ thống biển bảng quảng cáo, hệ thống ánh sáng, giá kệ. Phòng trưng bày hoạt động ổn định, góp phần mang lại doanh thu cho công ty 5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 40 triệu/năm.

Trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục tư vấn hướng dẫn cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần Monaco triển khai tư vấn quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực, marketing… cho 8 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này không chỉ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mà sản phẩm hàng hóa làm ra phục vụ khách hàng cũng ngày một được nâng cao về chất lượng, đồng thời, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhân cấy một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ. Đồng thời, tỉnh còn ban hành và thực hiện một số chính sách khuyến khích đầu ra cho sản phẩm, chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho hộ sản xuất; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học - công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề; gắn công tác khuyến công, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp, làng nghề nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Đề án về hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với nguồn kinh phí hơn 34,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ huyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp, giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế./.