Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:31 GMT+7

Sản xuất bền vững

Nan giải vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp

09/05/2019

Những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đầu tư, kéo theo tình trạng quá tải về việc xử lý môi trường. Để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian qua các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thực hiện nhiều giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng ngày một đồng bộ hơn…

Hệ thống xử lý nước thải tại KCN An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng.
Các khu xử lý nước thải quá tải
Theo thống kê của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện nay có khoảng trên dưới 200 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với trên dưới 50.000 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, phát triển đô thị, giao thông vận tải, thương mại – dịch vụ – du lịch… Định hướng đến năm 2020 tổng diện tích dành cho phát triển các KCN, CCN ở ĐBSCL sẽ là 50.000 ha.
Các ngành chức năng và địa phương trong vùng nhận định, với tốc độ phát triển nhanh mạnh của các DN đang lấp đầy các KCN, CCN như thời gian qua thì tình trạng quá tải trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở khu vực này là vấn đề nan giải. Tuy nhiên các địa phương trong vùng đang có nhiều cố gắng. Khảo sát tại các KCN có quy mô lớn như: KCN Trà Nóc 1& 2, KCN Thốt Nốt (TP Cần Thơ); KCN Sông Hậu, KCN Tân Phú Thạnh (Hậu Giang); KCN An Nghiệp (Sóc Trăng);…cho thấy hệ thống hệ thống xử lý nước thải tập trung đang được đầu tư.
Tại TP Cần Thơ, là địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL với định hướng sẽ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, thời gian qua bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư cũng chú trọng tới việc hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN.
Tại KCN Trà Nóc 1 & 2 ở quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công xuất 12.000m3/ngày đêm. Năm 2016, giai đoạn 1 của nhà máy xử lý nước thải này có công xuất 6.000m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động. Đầu năm nay, Công ty CP Xây dựng Hạ tầng KCN Cần Thơ lại tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của khu xử lý nước thải tập trung tại KCN Trà Nóc, nâng tổng công xuất lên thành 12.000m3/ngày đêm nhằm đảm bảo công tác xử lý nước thải tại 2 KCN, CCN.
Ông Nguyễn Chí Kiên – Phó Giám đốc Sở TNMT TP Cần Thơ nhận định, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn TP Cần Thơ đã có sự chuyển biến tích cực, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN được kéo giảm đáng kể. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường của công ty, DN đang hoạt động trong các KCN đã được nâng lên rõ rệt.
Tỉnh Sóc Trăng mặc dù còn nhiều khó khăn, song địa phương cũng có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường trong các KCN. Ông Nguyễn Văn Kiệt – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng hiện đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung có công xuất 10.000m3/ngày đêm cho KCN An Nghiệp không chỉ giải quyết triệt để được tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải phát sinh gây ra mà còn đảm bảo tiêu chí mà địa phương đề ra, phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường…”.
Tại Hậu Giang, sau nhiều năm loay hoay với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN, đến nay tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung cho KCN Tân Phú Thạnh và KCN sông Hậu. Thời gian qua, Hậu Giang cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho 5 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành, Châu Thành A,…
Tránh kiểu “mạnh ai nấy lo”
Thực hiện công tác giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, CNN thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung lắp đặt các trạm quan trắc khí thải, nước thải tự động. Hậu Giang đã có 3 công ty đã lắp đặt trạm quan trắc tự động, còn tại Cần Thơ, Sóc Trăng cơ quan chức năng cũng đang tiến hành rà soát, thống kê và yêu cầu các công ty, DN thuộc đối tượng phải đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục theo quy định.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, công tác quy hoạch KCN còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, chỉ giới hạn phạm vi tỉnh mà chưa chú trọng đến liên kết vùng. Yếu tố vùng rất quan trọng trong quy hoạch, xác định những ngành công nghiệp đặt ở thượng lưu, hạ lưu, hay bố trí xa nguồn nước. Hiện nay, các chương trình hỗ trợ từ cơ quan chức năng chỉ tập trung giải quyết vấn đề cải thiện môi trường đầu tư trong khi có rất ít dự án giám sát ô nhiễm môi trường và thống kê chất lượng nước thải tại KCN một cách toàn diện.
Cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển KCN, CCN tại các tỉnh và thành phố gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước trong mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát huy vai trò lợi ích của cả vùng; tránh hiện tượng tập trung thu hút đầu tư mà xem nhẹ nhiệm vụ xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường.
Nếu không khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy lo”, nơi xử lý triệt để, nơi không, xử lý ngọn mà không xử lý từ gốc… thì môi trường chung của ĐBSCL sẽ không được bảo vệ. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng.
Nguồn: Đại Đoàn Kết