Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho thấy, tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) đã phần nào được cải thiện, song vẫn còn “nóng”.
Khí thải tại KCN Tằng Loỏng vẫn chưa được kiểm soát.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 KCN và 1 khu thương mại, công nghiệp (KTMCN). Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 9.414,2 tấn/ngày đêm, tập trung chủ yếu tại KCN Tằng Loỏng, thành phần CTR chủ yếu xỉ thải, xỉ than, bùn thải; Gisp phát sinh trong quá trình sản xuất phốt pho; DAP; DCP; luyện đồng…
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có khu xử lý chất thải tập trung, CTRCNTT do các chủ đầu tư phát sinh chất thải tự thu gom xử lý; Việc xử lý trên thực tế hiệu quả chưa cao (bãi thải chưa được gia cố, lót đáy chống thấm, xây tường bao; Nhiều doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư đề xuất một số loại chất thải (xỉ thải từ sản xuất phốt pho) sẽ tận dụng sản xuất vật liệu xây dựng, tuy nhiên, thực tế chưa thực hiện được).
Đối với nước thải công nghiệp, tổng lượng nước thải phát sinh tại 4 KCN là 7.377m3/ngày đêm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 KCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung: KCN Đông Phố Mới công suất 500m3/ngày đêm; KCN Tằng Loỏng giai đoạn 1 với công suất 3.000m3/ngày đêm và đã đi vào hoạt động.
Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 50% tổng lượng phát sinh. Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Tằng Loỏng (giai đoạn 2) với công suất 4.950m3/ngày. Trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN còn lại.
Khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông và các hoạt động sản xuất công nghiệp đặc biệt là công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón và sản xuất thép (chủ yếu tập trung tại KCN Tằng Loỏng) là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Lào Cai. Theo điều tra thống kê, hiện nay, tổng lượng khí thải phát sinh tại các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng khoảng 1,7 triệu m3/giờ, thành phần khí thải chủ yếu SO2, NOx, hơi axít, lượng khí thải tập trung chủ yếu vào các nhà máy: DAP số 2; Gang thép Lào Cai, luyện đồng Lào Cai; Phụ gia thức ăn gia súc (DCP); Nhà máy sản xuất Axit trích ly 100.000 tấn/năm và Nhà máy sản xuất phân lân giầu TSP 100.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần phân bón hóa chất Lào Cai và các nhà máy sản xuất phốt pho vàng.
Hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 KCN Tằng Loỏng bị vỡ ngày 7/9/2018 làm 45.000m3 chất thải độc hại tràn vào nhà dân và ra môi trường. Ảnh: TQ
Về cơ bản các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, một số nhà máy sản xuất phốt pho vàng cải tạo, nâng cấp hệ thống thu khí tại bể tôi xỉ và bể khúc lưu (bể xử lý tuần hoàn nước thải)… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động một số nhà máy vẫn còn để xảy ra sự cố, rò rỉ khí thải gây tác động cộng hưởng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân sống xung quanh khu vực như: Nhà máy DAP số 2, DCP…
Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 12 nhà máy trong KCN Tằng Loỏng thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động đối với khí thải. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện, đến nay mới có một số đơn vị lắp đặt thiết bị quan trắc tự động kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), số còn lại đang triển khai.
Báo cáo cho thấy, đến hết năm 2018 mới có 3/4 KCN được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; KCN Tằng Loỏng mới lập xong đề án, đang trình Tổng cục Môi trường thẩm định phê duyệt. Kết quả quan trắc khí thải tại KCN Tằng Loỏng cho thấy, có một số thông số vượt quá quy định trong không khí, nước thải (khói bụi của các nhà máy; thông số TSS, BOD vượt ngưỡng trong nước thải).
Trong năm 2018, Ban quản lý Khu kinh tế đã tiến hành 1 cuộc kiểm tra toàn diện tại các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng; phối hợp với Sở TN&MT thanh tra các doanh nghiệp trong KCN Tằng Loỏng có sai phạm về môi trường, sau thanh tra đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty DAP số 2 là 150 triệu đồng; Cty Cổ phần hóa chất Phúc Lâm 130 triệu đồng; Cty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai 350 triệu đồng.
Kết quả lắp đặt quan trắc tự động về khí thải đối với 36 trạm bắt buộc tại KCN Tằng Loỏng, đến nay mới có 3/9 đơn vị lắp đặt và kết nối với Sở TN&MT (tổ hợp các nhà máy của Cty Cổ phần hóa chất Đức Giang 7/13 trạm; Nhà máy luyện đồng 1 trạm; Nhà máy DCP 1 trạm); 4/9 nhà máy đang lắp đặt và kết nối; 2/9 đơn vị đang lựa chọn thiết bị.
Có thể thấy, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, công tác này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:
Do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, như: Đầu tư khu xử lý chất thải rắn, nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp đặc biệt là KCN Tằng Loỏng.
Ý thức các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao dẫn đến vào một số thời điểm xảy ra các sự cố làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và gây mất tình hình an ninh trật tự, các sự cố như: Sự cố rò rỉ khí thải nhà máy luyện kim màu, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; sự cố bục đường ống hồi lưu nước thải tại bãi thải Gysp nhà máy DAP số 2…
Báo Thanh Tra