Sáng ngày 23/4/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thuộc Liên minh châu Âu tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững (SXSH & TDBV) giai đoạn 2020 - 2030. Mục tiêu của hội thảo nhằm xin ý kiến đóng góp về định hướng và biện pháp thúc đẩy SXSH & TDBV tại Việt Nam để xây dựng Chương trình hành động quốc gia về SXSH và TDBV trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tham dự hội thảo có ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Bruno Angelet – Đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, ông Arab Hoballah – Trưởng Chương trình thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thuộc Liên minh châu Âu, các đại biểu là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ Công Thương nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2019 là xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
Ông Bruno Angelet – Đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Tại Quyết định số 662/QĐ-TTG ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng và triển khai Khung Chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Với các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua của Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và Chương trình Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững trình bày tại hội nghị Chương trình quốc gia giai đoạn đến năm 2030 dự kiến sẽ đề xuất các mục tiêu và hoạt động nhằm tiếp tục triển khai đồng thời các hoạt động thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Thông qua đó sẽ góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong hơn 10 năm qua, các hoạt động SX & TDBV đã được thực hiện rộng rãi ở Việt Nam. Cho đến nay, hơn 1.200 cơ sở sản xuất thuộc nhiều ngành nghề và địa phương ở Việt Nam đang thực hiện SXSH. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh SX & TDBV là một cách quan trọng để gắn kết các vấn đề môi trường. Việc hiểu được các thay đổi căn bản về cách thức các xã hội sản xuất và TDBV là điều không thể thiếu để đạt được sự phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ SX & TDBV như ký kết Tuyên ngôn quốc tế về SXSH năm 1999; phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia về SXSH năm 2002; ban hành các chiến lược và quy định về SXSH trong công nghiệp; Kế hoạch hành động quốc gia về SX & TDBV đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,…
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe nhiều bài trình bày với nội dung hữu ích về SXSH & TDBV như việc triển khai chương trình hành động về SX & TDBV của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình hành động sản xuất và TDBV; một số đề xuất về xây dựng chương trình hành động quốc gia về SX & TDBV.
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững trình bày về Chương trình hành động quốc gia về SXSH & TDBV tại Việt Nam: Đề xuất cho giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, chương trình giai đoạn 2020 – 2030 sẽ đồng thời triển khai các hoạt động về SXSH, SX & TDBV dựa trên các kết quả của Chương trình hành động quốc gia về SX & TDBV và Chiến lược quốc gia về SXSH. Cùng với đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động SXSH, SX & TDBV, chú trọng đến các chính sách, quy định về chuỗi cung ứng kênh phân phối xanh, mua sắm công xanh, đổi mới sinh thái trong công nghiệp, thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia nhóm và thảo luận tập trung vào hai nội dung chính: ưu tiên các hành động SXSH trong giai đoạn 2020 – 2030 và cơ chế phối hợp, triển khai cho chương trình hành động giai đoạn 2020 – 2030. Nhiều câu hỏi đã được thảo luận sôi nổi như xác định những hành động nào cần ưu tiên thực hiện, những giải pháp nào cần bổ sung ưu tiên thực hiện, làm thế nào để huy động nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện...Các ý kiến đóng góp đã được Bộ Công Thương tổng hợp và tiếp thu để xây dựng Chương trình hành động quốc gia về SXSH & TDBV giai đoạn 2020 - 2030.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững