Chính quyền Thành Phố Tokyo ước tính, số lượng điện dư từ quá trình đốt rác có giá trị khoảng 9,8 tỷ yên mỗi năm (khoảng 1.800 tỷ đồng). Thậm chí, các kỹ sư ở đây còn tìm ra cách tận dụng hơi nước nhiệt độ cao để cung cấp cho các bể bơi xung quanh và trồng các loại cây nhiệt đới.
Hiện tại, dân số Tokyo vào khoảng 9,2 triệu người, mỗi ngày lượng rác sinh hoạt thải ra khoảng 9.000 tấn, và gần như 100% được đưa thẳng đến nhà máy đốt. Rác sau khi được nghiền và ép thành khối bằng nhau sẽ được đốt ở 800 độ C, ở nhiệt độ này, rác sẽ giảm thể tích và khối lượng xuống chỉ còn 1/20.
Chỉ riêng TP Tokyo đã có 21 nhà máy xử lý rác thải, trong đó nhà máy lớn nhất, Toshima giúp thành phố xử lý khoảng 400 tấn rác một ngày và khoảng 150.000 tấn/năm. Một điều đặc biệt là để vận hành những nhà máy này tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ, nhưng cả 21 nhà máy ở đây gần như không tiêu tốn một chút điện nào từ mạng điện lưới quốc gia.
Rác được ép thành khối lớn để tiết kiệm diện tích
Nguyên lý của công nghệ xử lý rác thải ở Tokyo gồm 3 bước: Nghiền – ép – đốt, rác sau khi được thu gom sẽ được nghiền và ép thành từng khối lớn có kích thước bằng nhau để khi đốt tiết kiệm được thể tích lò đốt, tiết kiệm thời gian và công sức của công nhân nhà máy. Một số chất hóa học được thêm vào để trung hòa các loại khí độc hại thoát ra trong quá trình đốt. Vì vậy, hơi thoát ra từ những nhà máy đốt rác khổng lồ này thường chỉ là hơi nước và gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chính quyền TP Tokyo ước tính, số lượng điện dư từ quá trình đốt rác có giá trị khoảng 9,8 tỷ yên mỗi năm (khoảng 1.800 tỷ đồng). Thậm chí, các kỹ sư ở đây còn tìm ra cách tận dụng hơi nước nhiệt độ cao để cung cấp cho các bể bơi xung quanh và trồng các loại cây nhiệt đới.
Một số nước như Malaysia đã bắt đầu cử các kỹ sư đi học hỏi mô hình xử lý rác thải ở Tokyo, mỗi năm họ cũng chi nhiều tiền để mời các chuyên gia của Nhật Bản giúp họ xây dựng một mô hình xử lý rác thải hiện đại, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật cũng giúp Malaysia trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, vận động người dân tham gia góp sức vào nỗ lực xử lý rác thải của thành phố.
Nguồn: Báo Môi trường và Cuộc sống