Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:23 GMT+7

Sản xuất bền vững

Vĩnh Phúc: Sản xuất sạch hơn trong chế biến nông sản

15/03/2019

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013, HTX Nông thôn mới (NTM) Đại Phúc ở thôn Đại Phúc 2, xã Đạo Đức (Bình Xuyên) luôn chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định uy tín, chất lượng các mặt hàng nông sản của đơn vị.
Sản phẩm ớt muối chua của HTX NTM Đại Phúc, xã Đạo Đức (Bình Xuyên) đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc
Tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu, với các giống cây dược liệu chủ yếu, như: Cà gai leo, dây thìa canh... được trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ (gần 1ha), sau khi thu hoạch, cây dược liệu được chế biến thành sản phẩm nông dược dưới dạng sấy khô, cô đặc thành viên và cung cấp cho các đơn vị sản xuất dược liệu.
Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có chỗ đứng và lượng khách hàng ổn định trên thị trường nên hoạt động sản xuất của HTX trong những năm đầu đi vào hoạt động rất cầm chừng, chưa khẳng định được thương hiệu.
Không ngừng tìm hướng đi cho HTX, Ban Giám đốc HTX NTM Đại Phúc luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp tại các HTX trong và ngoài tỉnh, tích cực ứng dụng các giải pháp sản xuất tiến bộ, có những hướng đi sáng tạo, nhạy bén, phù hợp với nền kinh tế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Từ chỗ mới chỉ tổ chức sản xuất nông sản, hỗ trợ cây giống, phân bón, thu mua nông sản theo giá thị trường nhằm giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường liên kết sản xuất giữa các hộ thành viên, kết hợp với dồn ghép và thuê ruộng đất của các hộ dân trong vùng, HTX NTM Đại Phúc có tổng diện tích canh tác lên đến hơn 70ha.
Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tập trung vào một số cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao, ổn định như: Ớt Mỹ Nhân Vương, cà gai leo, dây thìa canh, xạ đen, đinh lăng, chùm ngây... Trong đó có tới 65ha diện tích trồng ớt và hơn 5ha trồng cây dược liệu. Trung bình mỗi năm, HTX Nông thôn mới Đại Phúc cung cấp ra thị trường 30 tấn cây dược liệu và 1.200 tấn ớt tươi, ớt thành phẩm các loại.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của sản phẩm ớt tươi, ớt thành phẩm, đặc biệt với sự nhạy bén, chủ động tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, sau nhiều lần thương thảo, Ban Giám đốc HTX mạnh dạn ký kết hợp đồng cung ứng các mặt hàng nông sản mang thương hiệu “Đại Phúc Green” cho các đơn vị trong và ngoài nước, trong đó sản phẩm chủ lực là ớt muối được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu.
Với sản lượng ớt cao sản ngày càng tăng, Ban Giám đốc HTX mạnh dạn tập trung nguồn vốn huy động từ các thành viên, đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng tự sản xuất và chế biến nông sản với diện tích 200m2, duy trì việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu ổn định đầu ra cho sản phẩm ớt muối chua, HTX liên doanh với một số doanh nghiệp ở Hàn Quốc sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn của nước bạn. Các giống ớt cũng được HTX tập trung trồng theo tiêu chí mà bạn hàng yêu cầu, như: GL1, GL20, N7, N20 và Mỹ Nhân Vương.
Từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng, HTX Nông thôn mới Đại Phúc xuất khẩu được hàng chục tấn ớt muối sang thị trường Hàn Quốc. Riêng năm 2018, HTX xuất khẩu đạt 500 tấn ớt muối, doanh thu đạt 18 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX đang duy trì mạng lưới chi nhánh, phân phối độc quyền sản phẩm tương ớt tại một số tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ mạnh, như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên...
Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, kết hợp với chủ động tìm hướng tiêu thụ sản phẩm cho các mặt hàng nông sản giúp HTX NTM Đại Phúc ngày càng phát triển ổn định, nâng cao doanh thu.
Đây là tiền đề để HTX tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa các hộ thành viên, mở rộng quy mô diện tích canh tác để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho nông sản, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào quá trình thúc đẩy phát triển KT - XH và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Báo Vĩnh Phúc