Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 11:12 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Tuyên Quang: Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp nông thôn phát triển

14/03/2016

Công ty TNHH MTV Quân Lâm (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được thành lập từ cuối năm 2012; những sản phẩm chính của Công ty sản xuất là ván ghép thanh, ván sàn… Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hùng, thời điểm mới thành lập, Quân Lâm gặp không ít khó khăn từ nhân lực, công nghệ sản xuất, nguồn vốn...  Nhờ sự đồng hành của chương trình khuyến công tỉnh, doanh nghiệp dần vượt qua khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tháng 7/2014 để mở rộng sản xuất doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất ván gỗ ghép thanh với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng, gồm hệ thống máy cắt, máy bào 4 mặt, lò sấy gỗ, máy ép dọc, ép ngang…

Nói về ưu điểm của dây chuyền sản xuất ván ghép thanh, Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: Sau khi đầu tư dây chuyền mới sản lượng đã tăng cao, hiện doanh nghiệp sản xuất được 40 m3/tháng gấp đôi sản lượng trước khi có dây chuyền. Do được sản xuất trên dây chuyền tự động, hiện đại sai số về kích thước sản phẩm rất nhỏ. Đặc biệt với 2 lò sấy công suất cao, gỗ được luộc, sấy loại bỏ hết chất bột, độ ẩm còn rất nhỏ tránh được tình trạng mối mọt, cong vênh trên sản phẩm.

Tuy nhiên, tận dụng tối đa được nguồn nguyên liệu mới là ưu điểm lớn nhất của dây chuyền sản xuất ván ghép thanh. Trong quá trình sản xuất những lô hàng sản xuất ván sàn của doanh nghiệp có sai sót về kích cỡ hoặc những mẩu gỗ ngắn, xương đều có thể tận dụng chẻ nhỏ ghép thành thanh nguyên liệu. Đặc biệt, với nhóm sản phẩm cho xuất khẩu khách hàng đòi hỏi gỗ nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy định độ tuổi chặt… vì vậy chi phí cho nguyên liệu này cũng cao hơn, buộc doanh nghiệp phải tận dụng tối đa, tránh lãng phí tài nguyên.

Nhờ có sự góp sức của khuyến công, doanh nghiệp có ngay nguồn lực đầu tư cho nguyên liệu, sản xuất. Hiện sản phẩm ván ghép thanh của doanh nghiệp không chỉ được tiêu thụ nội địa mà xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường Đài Loan, Mỹ… “Hàng của mình sản xuất đến đâu hết đến đấy, đặc biệt là hàng xuất khẩu”, ông Hùng vui vẻ nói.

Với triển vọng thị trường sáng và đơn hàng đã đặt đến hết năm, năm 2015 Quân Lâm ước đạt khoảng 2 tỷ đồng doanh thu, trong đó 60% tỷ trọng thuộc về xuất khẩu, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 40%.

Mặc dù không khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, nguyên liệu cho sản xuất nhưng Quân Lâm lại đang gặp không ít khó khăn với nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng khá lo lắng khi nói về điều này: Công nhân làm việc tại doanh nghiệp hiện chủ yếu là lao động phổ thông, được đào tạo kỹ năng theo hình thức truyền nghề nên chất lượng tay nghề không cao, ảnh hưởng đến quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, chế biến gỗ đòi hỏi phải có đào tạo cơ bản để vận hành máy móc, công nghệ. Tiêu chuẩn kỹ thuật như độ dày, mỏng của mỗi đơn hàng là khác nhau và buộc phải điều chỉnh thiết bị. Đã có trường hợp khách hàng Đài Loan yêu cầu ván sàn phải có vạch kẻ vạch rộng 5cm nếu không có hiểu biết về máy móc, quy trình người lao động không thể chỉnh độ rộng, độ nghiêng của dao.

Trước những khó khăn trên của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng cũng mong muốn: Trung tâm Khuyến  công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tuyên Quang tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ cho Quân Lâm và những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực có được đội ngũ lao động tốt, thuận lợi trong quá trình phát triển, khai thác được nguồn nguyên liệu rừng trồng tại địa phương.