Để giúp các DN đầu tư sản xuất xanh sạch, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước về cơ chế chính sách, vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất, thời hạn, thủ tục cho vay… dành cho những DN có dự án đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường...
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (Entec) cho biết, tăng trưởng, phát triển hay sản xuất xanh là cụm từ không chỉ được các DN nhắc đến nhiều trong suốt thời gian gần đây và điều này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
Mục tiêu của chiến lược thúc đẩy tăng trưởng xanh, làm giàu vốn tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng, bắt buộc trong nền kinh tế xã hội văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa
Trong đó, hoạt động sản xuất xanh hay còn gọi là xanh hóa sản xuất đặt ra vấn đề phải rà soát, điều chỉnh những quy hoạch hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị đảm bảo nguyên tắc cải thiện môi trường, đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên...
Cụ thể, kế hoạch từ nay đến năm 2020 giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 – 45%, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ, bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP.
Theo chuyên gia UNEP (chương trình môi trường Liên hiệp quốc), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Hay nói cách khác, sản xuất sạch hơn là một phương thức tiếp cận trong sản xuất nhằm giúp các DN tăng hiệu suất kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường.
Phó giám đốc DN ngành nhựa tại Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc sản xuất sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lượng điện năng rất lớn nên công ty đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm được chi phí.
Theo đó, công ty đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt biến tần cho các máy thổi đang sử dụng động cơ thủy lực để giảm lượng điện tiêu thụ. Kết quả là trung bình hàng tháng công ty tiết kiệm được khoảng 10%-25% lượng điện tiêu thụ. Một giải pháp quan trọng quyết định đến thành công của công ty khi chuyển sang sản xuất nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Do trước đây, công ty thường sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa PVC. Loại nhựa này khi gia nhiệt ở nhiệt độ cao sẽ phát sinh ra các khí gốc cloride (khí góp phần gây thủng tầng ozone). Không chỉ vậy, sản xuất bao bì PVC có sử dụng nhiều hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Từ hiện trạng đó, công ty cải tổ toàn bộ hoạt động sản xuất. Đầu tiên là thực hiện kế hoạch chấm dứt sử dụng PVC và thay thế bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường P.E.T thông qua việc đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất mới từ châu Âu và thiết bị phụ trợ từ Nhật Bản.
Đại diện Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả kinh doanh, các DN ngành dệt may, da giày buộc phải thực hiện những quy định về sản xuất xanh nhằm tiết kiệm năng lượng, điện, nước… từ đó tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu suất hoạt động, hướng đến sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của đối tác và phù hợp với yêu cầu chung của quá trình hội nhập phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, đầu tư cho công nghệ và quy trình sản xuất xanh không dễ thực hiện, giá thành cũng không rẻ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, sản xuất xanh và sạch giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường.
Tuy nhiên, hiện tại các DN của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa, nhỏ hay siêu nhỏ nên gặp nhiều khó khăn về tài chính để có thể áp dụng thành công các mô hình sản xuất xanh. Ngoài ra còn phải kể đến những khó khăn về vận hành, điều chỉnh hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất từ nước ngoài, giá thành chưa thực sự phù hợp với khả năng của đại đa số DN trong nước.
Vì vậy, để giúp các DN đầu tư sản xuất xanh sạch, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước về cơ chế chính sách, vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất, thời hạn, thủ tục cho vay… dành cho những DN có dự án đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Theo Thời báo ngân hàng