Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 09:10 GMT+7

Sản xuất bền vững

Sản xuất xanh trong công nghiệp

01/09/2018

Công nghiệp TPHCM luôn có mức tăng trưởng cao, ổn định trên 6%/năm. Trong phát triển công nghiệp, thành phố luôn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mũi nhọn như cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thủy sản... Không chỉ thế, TPHCM còn đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thực hiện sản xuất xanh, sạch, áp dụng phương pháp 5S để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời buổi hội nhập; đồng thời, cũng là để DN nâng cao sức cạnh tranh. 
Sản xuất xanh tại Công ty Lập Phúc. Ảnh: CAO THĂNG
Xu hướng tất yếu
Hiện nay, tại một số DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM, ngoài việc cải tiến quy trình kỹ thuật, hệ thống máy móc, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong sản xuất để giảm tỷ lệ lỗi và chi phí… thì việc xây dựng cảnh quan môi trường sản xuất sạch, quan tâm hơn đến nhiệt độ, ánh sáng, nguyên liệu đầu vào cũng được các DN đặc biệt chú trọng.
Hiện Chính phủ, các bộ ngành cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, năng lượng... và mọi khâu sản xuất công nghiệp đều được khuyến khích áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn. Nhà nước cũng đã có một số chính sách, công cụ nhằm khuyến khích như xây dựng các quy định mang tính pháp lý, thiết lập các công cụ kinh tế, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng dự án sản xuất sạch hơn cho DN... Đây là những lợi thế để DN tiến tới sử dụng nhiều mô hình sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7), cho biết công ty đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo môi trường sản xuất xanh, sạch cho lực lượng lao động. Không chỉ giúp DN giảm chi phí mà còn tạo ra môi trường làm việc thoải mái cho người lao động, từ đó năng suất lao động tăng cao hơn. Công ty đã và đang xây dựng các nhà xưởng cao tầng đạt tiêu chuẩn, thiết kế tận dụng hướng gió và ánh sáng để hạn chế sử dụng điện năng. Đối với nhà xưởng hay văn phòng làm việc, môi trường lúc nào cũng phải xanh, sạch. Đặc biệt, đối với nguyên liệu thép nhập về để chế tạo khuôn mẫu, công ty luôn tính toán đến độ chính xác nhất để giảm lượng dư thừa gây lãng phí, tốn kém. 
Trong khi đó, chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lại là chuyện dài hơn và rất vất vả của các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, quản trị, thời gian giao hàng… các DN còn phải đáp ứng được các tiêu chí về môi trường làm việc. Đối với nhà xưởng, văn phòng làm việc yêu cầu độ ồn không quá lớn, độ sáng phải phù hợp, các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy cũng phải được chú trọng.
Trao đổi về nội dung này, đại diện Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Tiến Thịnh (Khu Công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), cho biết, công ty đã được Samsung chọn là đối tác cung ứng chính sản phẩm lõi thép điện tử cho Samsung. Để có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung, công ty đã tích cực thực hiện chương trình cải tiến kỹ thuật; trong đó tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn quản lý thiết bị, nâng cao năng suất thiết bị và hạn chế lãng phí trong các công đoạn sản xuất. Công ty đã thực hiện 110 cải tiến và đều thành công, góp phần giảm phế phẩm, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu hàng năm khoảng 150.000 USD. Đặc biệt, từ khi thực hiện cải tiến đến nay đã giảm được sản phẩm tồn kho rất nhiều, góp phần tiết kiệm chi phí cho công ty.
Đồng hành hỗ trợ DN
Theo nhiều ý kiến, áp dụng sản xuất xanh, sạch sẽ mang lại cho DN rất nhiều lợi ích như cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về một DN xanh; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn. Tuy nhiên, các DN quy mô vừa và nhỏ hay siêu nhỏ còn gặp nhiều khó khăn về tài chính để có thể áp dụng thành công các mô hình sản xuất xanh; trở ngại về trình độ vận hành, điều chỉnh hệ thống máy móc, công nghệ nên để giúp các DN mạnh dạn đầu tư và dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước như vốn tín dụng, cơ chế ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay… dành cho những DN, dự án đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển hỗ trợ công nghiệp TPHCM, cho biết cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sản xuất xanh, sạch đã trở thành một trong những xu thế, chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp các nước trên thế giới, hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Đi theo xu hướng này, trong kế hoạch tăng trưởng xanh, TPHCM đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đó là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất thông qua việc tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DN công nghiệp, công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn... thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh thông qua việc hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi quan niệm tiêu dùng, lối sống lành mạnh, chú trọng bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Khi các DN thực hiện sản xuất xanh, sạch sẽ là yếu tố quan trọng để thành phố xét hồ sơ cho vay vốn ưu đãi theo chương trình kích cầu của thành phố.
Theo Sài Gòn giải phóng