Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 2.000 tấn rác thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn trong khi thành phố hiện chỉ có 4 bãi đổ chất thải rắn xây dựng là Nguyên Khê, Vân Nội - huyện Đông Anh, Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì và Dương Liễu - huyện Hoài Đức, không đủ để tiếp nhận khối lượng chất thải rắn xây dựng ngày càng tăng.
Chính vì vậy, TP. Hà Nội đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện các giải pháp xử lý chất thải xây dựng góp phần giải quyết vấn đề môi trường, tiết kiệm quỹ đất…Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương, ban quản lý dự án của TP và các chủ đầu tư thực hiện quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng bằng công nghệ nghiền theo phương án xã hội hóa.
Mỗi ngày, Hà Nội phát sinh 2.000 tấn chất thải rắn xây dựng. (Ảnh: Hoàng Minh)
Sau khi có chủ trương, các DN đã nhập dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng từ Đức và Áo. Mới đây, Công ty Cổ phần Dịch vụ Sản xuất Toàn Cầu đã đưa công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng vào sử dụng cho việc phá dỡ bốn tòa nhà tại địa chỉ số 138 phố Giảng Võ. Đây là công nghệ được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Công nghệ đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường theo tiêu chuẩn EU6 (Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn EU4).
Với công nghệ này, các khối bê tông có kích cỡ tới 60x80cm, được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng các loại vật liệu từ sắt đến hạt cỡ 3x4cm và cát mịn, cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng.
Công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng mới cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Thiết bị có công suất từ 120 tới 250 tấn/giờ, có thể hoạt động được ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá dỡ. Hệ thống có lưới sàng nên có thể điều chỉnh kích cỡ tùy theo nhu cầu sử dụng. Máy nghiền có thể đáp ứng tất cả nhu cầu xử lý các loại nguyên liệu khoáng sản như đá hộc, bê tông, nhựa đường, thủy tinh...
Theo các chuyên gia, nếu công nghệ này được áp dụng phổ biến sẽ tạo ra bước đột phá trong việc xử lý chất thải rắn từ các công trình xây dựng bị phá bỏ, tái chế thành nguồn vật liệu mới, tiết kiệm tài nguyên và góp phần quan trọng vào việc giữ gìn cảnh quan, môi trường đô thị chung của Thủ đô. Hy vọng, công nghệ này, sẽ giúp TP. Hà Nội xử lý được những tồn đọng về chất thải xây dựng.
VP SXSH và SXTDBV tổng hợp