Trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ, Đoàn giám sát của Ủy ban KHCN và MT Quốc hội đã ghi nhận những kết quả mà thành phố đạt được. Thành phố cũng chia sẻ những khó khăn và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN năm 2013 với mục tiêu: đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Chiến lược phát triển KH&CN của TP Hà Nội đến năm 2020 đã chỉ ra hướng phát triển là tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.
Để khuyến khích, hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thành phố đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; Chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; Hỗ trợ DN công nghiệp phụ trợ;…
Bên cạnh đó, để hỗ trợ ươm tạo DN KH&CN, từ năm 2012 - 2017, TP đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt cho hơn 11 DN và 1 hợp tác xã tham gia 15 dự án thuộc các chương trình quốc gia; hỗ trợ các DN thương mại hóa sản phẩm, giới thiệu các DN KH&CN tham gia các giải thưởng có uy tín…TP đã phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, thì thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội.
Khó khăn nhất là cơ chế đầu tư tài chính gắn với thực thi các đầu tư về khoa học công nghệ, vẫn còn nặng về hành chính và nặng về tiểu tiết, không đốc thúc sự phát triển, đánh giá hiệu quả không đạt được. Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, không thống nhất, quy trình thủ tục còn phức tạp. Các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng chưa cao, cơ chế thu hút DN bỏ tiền nghiên cứu chưa hấp dẫn, thị trường KHCN chưa phát triển, chưa phát huy được lợi thế của Hà Nội trên cơ sở đã có nhiều trường, viện nghiên cứu KHCN, chưa huy động được “chất xám” trên địa bàn.
Nhằm phát huy vai trò của KH&CN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, TP đã đưa ra đề xuất với Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quản lý tài sản công, thuế để đảm bảo tính đồng bộ với Luật KH&CN. Đối với Chính phủ, thành phố kiến nghị ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành nhằm cụ thể hóa các quy định Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 để sớm triển khai thực hiện trên thực tế; kiên quyết sáp nhập hoặc giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Với Bộ KH&CN, thành phố kiến nghị Bộ hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực KH&CN ở trong và ngoài nước.
Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội là trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN, năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp