Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:47 GMT+7

Sản xuất bền vững

Tro xỉ nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 và 2: Được xử lý như thế nào?

11/08/2018

Liên quan đến tình hình xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, Giám đốc điều hành Cty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương (chủ đầu tư của nhà máy), ông David Stone cho biết: Tổng lượng tro, xỉ đang tồn lưu tại bãi thải số 1 và số 2 của nhà máy là 3.694.148 tấn. Lượng tro, xỉ, thạch cao này được vận chuyển đến bãi thải bằng phương pháp thải ướt. Đối với xỉ đáy lò ướt, kích thước hạt lớn, không thể vận chuyển bằng đường ống và hệ thống bơm xỉ thải, nhà máy vận chuyển bằng xe tải với thúng đáy kín.
Cũng theo ông David Stone, nhà máy hiện có 2 bãi thải xỉ, tổng dung tích chứa lên tới 16,07 triệu m3 tro xỉ. Trong đó, bãi thải số 1, diện tích 25,5ha, có dung tích chứa 1,87 triệu m3. Hiện bãi 1 đã chứa hơn 50% dung tích và đang được sử dụng để tiếp nhận xỉ đáy lò vận chuyển bằng xe tải.
Bãi thải xỉ số 2, theo quy hoạch có tổng diện tích 187ha, chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng bãi thải trên diện tích 114ha, dung tích chứa 14,2 triệu m3, bảo đảm được việc lưu chứa tro, xỉ cho 10 năm vận hành của dự án BOT. Tùy theo thực tế của hoạt động chuyển giao tro, xỉ, thạch cao và lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình vận hành, đến năm thứ 9, Cty sẽ xem xét việc đầu tư giai đoạn 2 của bãi thải số 2. Theo đó, bãi thải 2 sẽ được đầu tư xây dựng ô chứa xỉ phía Nam và nâng cao trình của các phần còn lại lên cao trình 27,2m, nâng sức chứa của bãi thải sô 2 thêm 30,8 triệu m3, đáp ứng vận hành 15 vận hành tiếp theo của dự án.
Hiện tại, Cty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương đang tiến hành lập đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao để trình Bộ Công Thương phê duyệt (dự kiến vào cuối tháng 9/2018). Theo dự thảo đề án, Cty chưa có kế hoạch đầu tư, mà chỉ hợp tác chuyển giao tro, xỉ cho các đơn vị có nhu cầu tái chế, tái sử dụng thông qua các hợp đồng mua, bán chuyển giao. Các đơn vị tham gia tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao đang trong quá trình dự thầu. Dự kiến, hoạt động chuyển giao tro, xỉ, thạch cao sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2018.
Về khả năng tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao so với lượng phát thải hàng năm, Cty cho biết, dựa theo năng lực của các thiết bị công nghệ thải xỉ hiện có, nhà máy dự kiến có thể tiêu thụ được 70% lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh. Khối lượng còn lại, khoảng 30%, sẽ được vận chuyển bằng đường ống xỉ thải ướt và lưu trữ tại các bãi thải của nhà máy.
Ông David Stone cũng cho biết hiện Cty gặp khó khăn trong việc chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm tro, xỉ, thạch cao để có thể xem xét như là VLXD hay nguyên liệu sản xuất.
Còn theo báo cáo của Cty Nhiệt điện Mông Dương 1, nhà máy có công suất 1.080MW, vận hành từ cuối năm 2015. Mỗi năm, nhà máy tiêu thụ 3 triệu tấn than và thải ra 1 triệu tấn tro xỉ.
Theo thiết kế ban đầu, tro xỉ sẽ được chôn lấp tại bãi thải của nhà máy với dung tích 2,25 triệu m3. Hệ thống thải tro, xỉ bằng công nghệ ướt.
Từ tháng 4/2016, đã có một số đơn vị đến thu mua xỉ đáy lò tái sử dụng để làm vật liệu sản xuất xi măng, làm vật liệu thay thế cát trong bê tông tươi, làm vật liệu để lấp lỗ khoan trong khai thác đá.
Đến hết năm 2017, toàn bộ lượng tro, xỉ đáy lò đã được tiêu thụ hết. Hiện chỉ còn lại lượng tro bay (chiếm 60%) vẫn chưa tiêu thụ được. Thời gian tới, Cty sẽ tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ tro, xỉ của nhà máy và cung cấp cho các nhà máy xi măng, gạch không nung, các đơn vị sản xuất VLXD và tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị để vận chuyển, tiêu thụ và tái sử dụng tro, xỉ.
Cùng với đó, Cty đang tiến hành các thủ tục gửi cơ quan chức năng địa phương, UBND TP Cẩm Phả, UBND tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện phê duyệt quy hoạch chi tiết bãi thải xỉ số 2. Đồng thời, Cty kiến nghị lên cơ quan chủ quản trình các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể hơn đối với vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện nói chung, tận dụng nguồn tài nguyên này để sản xuất gạch không nung, san lấp mặt bằng...
Báo Xây dựng