Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh tại các đô thị của Việt Nam, vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng như thế nào để giảm thiểu những tác động lên môi trường, từ đó vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng “xanh” đang được các nhà quản lý quan tâm.
Giảm ô nhiễm môi trường
Vật liệu xây dựng “xanh” là những sản phẩm đáp ứng được 2 yêu cầu: Tiêu tốn năng lượng ít hơn cho việc tạo ra nó và tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ khi đưa vào sử dụng. Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xanh thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020 cũng đã được Chính phủ ký quyết định phê duyệt.
Theo kỹ sư Đỗ Nhật Quang - Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, vật liệu “xanh” là những loại vật liệu không độc hại, có hàm lượng tái chế, tiết kiệm tài nguyên, có vòng đời sử dụng dài và quan tâm đến những vấn đề về môi trường. Việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống, ví dụ như gạch nung vừa ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đất và làm ô nhiễm không khí và làm mất đi các thảm thực vật sinh trưởng tại khu vực nó. Các sản phẩm vật liệu truyền thống không mang lại sự bền vững trong quá trình sử dụng.
Để khắc phục điều đó, ngành vật liệu xây dựng đã sáng chế ra nhiều loại vật liệu đáp ứng được các tiêu chí về công năng sử dụng và giảm thiểu tác động đến môi trường như: gạch không nung, xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, gỗ ốp tường, bê tông nhẹ, gạch ốp lát tái chế…
“Tất cả các loại vật liệu này đều được gọi là vật liệu xây dựng xanh vì nó đáp ứng được tất cả các tiêu chí từ sản xuất đến khi sử dụng. Tuy nhiên, giá thành của các sản phẩm này lại cao hơn các sản phẩm thông thường ít nhất từ 10 - 15%, nhưng đổi lại nó sẽ có công năng sử dụng tốt hơn và thời gian sử dụng cũng dài hơn. Điều quan trọng hơn cả là sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đnag trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành sản xuất vật liệu xây dựng”, kỹ sư Đỗ Nhật Quang nói
Dần thay thế vật liệu nung
Hiện nay, ở Việt Nam xu thế sử dụng vật liệu xây dựng xanh thay thế cho các loại vật liệu xây dựng truyền thống đang có chiều hướng gia tăng, nhiều công trình xây dựng lớn đã sử dụng vật liệu gạch không nung thay thế cho gạch nung thủ công trước đây. Nhưng về cơ bản người dân và doanh nghiệp vẫn ưu chuộng các sản phẩm vật liệu xây dựng thủ công vì giá thành sản phẩm rẻ hơn.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cả nước đến năm 2020 khoảng 33 tỷ viên. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung như thể chế hóa việc sử dụng Vật liệu xây dựng tại Luật Xây dựng 2014 và hoàn thiện các chế tài xử phạt việc vi phạm các quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng tại Nghị định 121/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; ban hành Thông tư 13/2017-TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong công trình xây dựng thay cho Thông tư 09/TT-BXD về sử dụng vật liệu xây dựng không nung cho phù hợp với từng vùng miền…
Theo kỹ sư Đỗ Nhật Quang, trong thời gian qua các cấp ngành đã thực hiện hiệu quả công tác giảm thiểu các loại vật liệu xây dựng nung. Nhưng chương trình sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế vật liệu nung cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa, để bảo vệ môi trường sống.
Theo Kinh tế đô thị