Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:58 GMT+7

Sản xuất bền vững

Lai Châu đổi mới công nghệ sản xuất trong chạm khắc gỗ

14/08/2018

Để làng nghề có thể tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lai Châu phối hợp với nhiều hộ sản xuất, kinh doanh hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lai Châu, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn đã thực hiện được các dự án đổi mới, đầu tư, mua sắm thiết bị, máy móc, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến công đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến.

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất gỗ của Công ty TNHH Xây dựng thương mại và nông lâm sản Toàn Ngọc (ảnh: báo Lai Châu)
Trong đó, nổi bật với những đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ cho các cơ sở: Đề án "Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung": Phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bảo Dương tại huyện Than Uyên xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung tại xã Mường Than, huyện Than Uyên; Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn” là đề án bổ sung kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2017: Hỗ trợ Hộ kinh doanh Hà Văn Biên tại xã Mường So, huyện Phong Thổ đầu tư ứng dụng Máy cán tôn 01 tầng 11 sóng vuông.
Đặc biệt là Đề án "Ứng dụng máy móc tiên tiến trong chạm khắc gỗ": Hỗ trợ Hộ kinh doanh Trúc Suy tại xã Mường So, huyện Phong Thổ đầu tư ứng dụng máy khắc CNC (Model: MARTS; tốc độ làm việc: 8.000 mm/phút; máy mới 100%).
Anh Phan Hữu Trúc, chủ hộ kinh doanh Trúc Suy hồ hởi chia sẻ: “Năm 2017, trước đề xuất của chúng tôi về việc đầu tư cải tạo nhà xưởng và mua sắm mới một số máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ, Trung tâm Khuyến công Lai Châu đã hỗ trợ 146 triệu đồng và gia đình cũng đã mạnh dạn đầu tư thêm 154 triệu đồng để mua máy đục đục gỗ vi tính (máy khắc CNC). Máy khắc CNC được hỗ trợ là máy có thể đục các chi tiết phức tạp, cho ra chất lượng sản phẩm đồng đều, độ chính xác cao.
Qua 5 tháng đi vào vận hành (từ tháng 01/2017 - 5/2017) cơ sở đã giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định 4 triệu/người/tháng, sản phẩm chủ yếu của cơ sở là các bức tranh chạm khắc gỗ.

Một số sản phẩm ứng dụng từ máy khắc CNC của Hộ kinh doanh Trúc Suy
Việc ứng dụng máy khắc CNC trong chạm khắc hoa văn các sản phẩm gỗ bước đầu đã tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các đơn đặt hàng trong và ngoài huyện, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương; cải thiện doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị; thực hiện tốt mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp nông thôn.
Trước đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lai Châu phối hợp với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Nông lâm sản Toàn Ngọc (xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến gỗ.
Tại đây, nhiều mô hình, quy mô nhà xưởng, công suất của máy móc thiết bị, quy trình sản xuất chế biến gỗ và hình ảnh sản phẩm sản xuất thử của dây chuyền chế biến gỗ đã được chủ Công ty giới thiệu, trưng bày.
Với mục tiêu đưa các sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, Công ty đã triển khai thực hiện mô hình đầu tư kinh phí mua sắm dây chuyền thiết bị hiện đại áp dụng vào quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng với quy mô công suất 600m3 thành phẩm/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời qua đó giúp thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng cho người dân với giá thành cao hơn so với xuất về dưới xuôi hoặc bán cho các đơn vị tư thương khác.
Với những nỗ lực bám sát và xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, Trung tâm khuyến công Lai Châu đã đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoàn thành nhiều đề án đạt hiệu quả cao. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho khu vực nông thôn, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin, vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm…
Theo Tạp chí Công Thương