Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:33 GMT+7

Sản xuất bền vững

Vĩnh Long: Hỗ trợ cải thiện sản xuất

03/08/2018

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long (trung tâm) đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoàn thành thủ tục, nhanh chóng đưa các đề án hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm vào thực hiện.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc vào sản xuất

Theo kế hoạch năm 2018, khuyến công Vĩnh Long sẽ tập trung vào 5 nhóm đề án, trong đó, nhóm đề án hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất CNNT nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được đặc biệt quan tâm. Với nội dung này, ngay từ đầu quý II, trung tâm đã huy động nhân lực xây dựng các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tại 6 cơ sở, gồm: Hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến thủy sản Phú Thành, cơ sở sản xuất kẹo mứt Hồng Phúc, Công ty hóa dầu Subaru, Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nông Lương Việt Nam… Mặt khác, trung tâm cũng tiếp tục phối hợp với các phòng kinh tế, cộng tác viên khuyến công và các cơ sở CNNT về kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới tại địa phương”; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Trên thực tế, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020”, trung tâm đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở CNNT. Riêng năm 2017, thực hiện 18/30 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thuộc các nội dung của chương trình khuyến công. Các đề án này đã bắt đầu phát huy hiệu quả, không chỉ giúp cơ sở cải thiện năng lực sản xuất mà còn giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tiêu biểu như cơ sở sản xuất nước chấm Hiệp Hoà (huyện Mang Thít) có hơn 35 năm tham gia thị trường. Trước đây, cơ sở sản xuất nước mắm 600N theo phương pháp gia nhiệt trực tiếp bằng lò đốt củi, tuy nhiên phương pháp này khó kiểm soát nhiệt độ, ảnh hướng tới màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, cơ sở đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước mắm theo công nghệ cô đặc chân không với hệ thống thiết bị mới gồm: Lò hơi tầng sôi đốt trấu công suất 6.000kg/giờ; thiết bị cô đặc chân không. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, hệ thống thiết bị mới có nhiều ưu điểm, giúp sản phẩm giữ được màu sắc, mùi vị của nước mắm truyền thống.
Tương tự, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trung tâm đã hỗ trợ 134,4 triệu đồng cho Chi nhánh Công ty TNHH Sơn Hải- Vĩnh Long (huyện Tam Bình) đầu tư 1 máy cán kẹo tự động. Sau khi thiết bị được đưa vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp giảm tỷ lệ hao hụt, tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các đề án hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bên cạnh hỗ trợ cơ sở nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cần thiết, trung tâm cũng giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện; phối hợp cùng các đối tượng thụ hưởng tháo gỡ vướng mắc nhằm bảo đảm đề án được triển khai đúng nội dung, đúng tiến độ.
Năm 2018, khuyến công Vĩnh Long tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm với tổng kinh phí khuyến công địa phương được duyệt là 1,35 tỷ đồng.
Theo Báo Công Thương