Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 16:26 GMT+7

Sản xuất bền vững

Mô hình hỗ trợ sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Quảng Ninh

05/08/2018

Trong những năm gần đây, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh có những bước phát triển khá rõ nét. Nguồn kinh phí khuyến công đã và đang được tập trung để hỗ trợ khuyến khích đầu tư, làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cửa thép vân gỗ cao cấp là một trong những đề án được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh triển khai làm điển hình để phát triển kinh tế địa phương. Nhận thấy nhu cầu về sản phẩm cửa, cổng là nhu cầu thiết yếu trong xây dựng cơ bản của nhà ở và các công trình, để giảm giá thành, vừa đảm bảo an ninh chống trộm lại vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, Công ty cổ phần cơ khí Trình Anh, thành phố Uông Bí đã quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị để cho ra dòng sản phẩm mới cửa thép vân gỗ. Được làm từ thép mạ điện, mạ kẽm, khó bị ôxy hóa, sản phẩm cửa thép vân gỗ được sản xuất theo quy trình khép kín bằng các máy móc chuyên dụng hiện đại đã được khách hàng ưa chuộng. Mặt cửa là một tấm thép liền được ép  2 mặt  tạo thành một cánh cửa mà không nhìn thấy mối ghép. Phía trong cánh cửa được nhồi bông thủy tinh hoặc dán giấy tổ ong, ép phẳng tạo cho cánh cửa thành một khối liền chắc chắn, không bị cong vênh, co, ngót, cách âm, cách nhiệt và chống cháy nổ. Cửa thép vân gỗ được sản xuất đa dạng về mẫu mã, đa dạng về các loại vân gỗ như vân gỗ lim, vân gỗ lát, vân gỗ dổi, đường nét hoa văn rất sắc nét tinh xảo, đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đề án “Mô hình trình diễn  kỹ thuật sản xuất cửa thép vân gỗ cao cấp” đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để nhân rộng, phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Đề án đã được triển khai, đóng góp kinh tế cho ngân sách Nhà nước, thu hút và giải quyết việc làm ổn định hơn 50 lao động có thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, Ông Đặng Văn Trình, giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Trình Anh cho biết: Cách đây 5 năm trở về trước, lúc đó phát triển còn chưa lớn, Công ty cũng  đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư thiết bị cho sản xuất. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu xã hội, từ năm 2015 Công ty  đã đầu tư nguồn vốn trên 10 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 300 triệu đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất cửa thép vân gỗ cao cấp. Theo dự kiến, mỗi năm Công ty sẽ cung cấp khoảng 25.000m2 sản phẩm ra thị trường. Và từ khi có thiết bị hiện đại đã nâng cao được năng suất và đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao hơn.

Bên cạnh đó, mô hình dây chuyền sản xuất ván ghép thanh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu của Công ty cổ phần chế biến lâm sản Quảng Ninh cũng đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất. Sau khi nghiên cứu nhu cầu thị trường về các sản phẩm, cùng với nguồn nguyên liệu sẵn có, Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Quảng Ninh đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ván ghép thanh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tạo việc làm ổn định cho gần 60 lao động tại địa phương. Đây là dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới của nước ngoài, làm tăng chất lượng và sản lượng ván ghép thanh xuất khẩu lên tới 2.000m3/năm. Ông Phí Bàng Vang Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Quảng Ninh cho biết: Nhờ có nguồn khuyến công hỗ trợ, công suất sấy của Công ty đã tăng từ 300 lên 1200 khối/lần sấy và nâng công suất của nhà máy là 5000m3 sản phẩm/năm và Công ty đang tiếp tục đầu tư công nghệ tự động trong sản xuất. Hiện nay công nghệ ghép thanh của Công ty là bán thủ công, đến cuối năm chúng tôi sẽ đầu tư dây chuyền ghép tự động 100% để nâng công suất lên 10.000 m3 sản phẩm/năm.

Đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu mang tính thiết thực và tính khả thi cao, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Những hỗ trợ của Tỉnh và những đề  án hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển tỉnh Quảng Ninh trên địa bàn thành phố Uông Bí đã giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút nguồn lực lao động, từ đó góp phần ổn định đời sống cho cán bộ công nhân, lao động trên địa bàn.

Với nguồn hỗ trợ kinh phí của Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, công tác khuyến công Quảng Ninh đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Thông qua nguồn kinh phí khuyến công, các cơ sở được thụ hưởng đều có những chuyển biến tích cực cả về quy mô sản xuất lẫn số lượng và chất lượng sản phẩm, cùng với đó là đảm bảo giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển vững chắc.
Theo Cục Công Thương địa phương