Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 11:41 GMT+7

Sản xuất bền vững

Sóc Trăng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị vào sản xuất

08/08/2018

Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Khuyến công) Sóc Trăng đã tích cực xây dựng và triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, đổi mới thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho doanh nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho cơ sở làm bún gạo khô Thanh Đại (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) là một ví dụ điển hình.


Nghiệm thu đề án khuyến công tại Cơ sở sản xuất bún gạo khô Thanh Đại.

Cơ sở sản xuất bún gạo khô Thanh Đại đã có hơn 10 năm thâm niên sản xuất các mặt hàng bún gạo khô, mì vắt, bánh tráng.. phục vụ cho thị trường Tây Nam Bộ. Ban đầu, do nguồn vốn hạn hẹp, Cơ sở chưa thể đầu tư đồng bộ hệ thống dây chuyền, thiết bị mà chủ yếu sử dụng máy móc đã qua sử dụng trong sản xuất, nên chất lượng của sản phẩm thấp, sản lượng làm ra không đáp ứng kịp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, do việc sấy, hấp các sản phẩm bún gạo khô và con nui vẫn bằng lò sấy thủ công, sử dụng củi đốt nên mẫu mã của sảm phẩm làm ra chưa được bắt mắt, gây ô nhiễm môi trường và tốn kém về mặt kinh tế cho cơ sở.
Để hỗ trợ Cơ sở sản xuất Thanh Đại khắc phục hạn chế, phát triển sản xuất, sau một thời gian khảo sát, Khuyến công Sóc Trăng đã quyết định phối hợp với phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành hỗ trợ 140 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công 2018 cho Cơ sở sản xuất bún gạo khô Thanh Đại thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bún khô”. Sau một thời gian thực hiện, đến giữa tháng 6/2018, Thanh Đại đã hoàn thành việc mua sắm, đầu tư thiết bị và đi vào sản xuất. Kết quả cho thấy, việc đổi mới thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã cho ra đời những sản phẩm sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng. Theo tính toán, với công suất của máy chạy hiện tại, Thanh Đại sẽ sản xuất được hơn 200 tấn sản phẩm bún khô các loại một năm, qua đó, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và thu hút nhiều hơn các đơn hàng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trang Minh Trí - Chủ cơ sở sản xuất bún gạo khô Thanh Đại chia sẻ: Từ 140 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm 350 triệu đồng để mua sắm đồng bộ dây chuyền và các thiết bị, máy móc như: Lò sấy bún gạo, lò sấy mì nui, máy đóng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm bún khô của chúng tôi sản xuất ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đấy. Tôi rất cảm ơn Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng đã tạo điều kiện về vốn để Thanh Đại đầu tư phát triển sản xuất và tôi rất mong tỉnh sẽ có thêm nhiều nguồn vốn để tăng mức vốn hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở nông thôn như chúng tôi có điều kiện tiếp cận với máy móc hiện đại, từng bước hiện đại hóa sản xuất, nâng cao mức lợi nhuận cho cơ sở.
Thông qua tính hiệu quả của đề án, có thể khẳng định, với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khi mới đi vào hoạt động thì khó khăn về vốn và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất là điều khó tránh khỏi. Nhưng được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, đã trở thành cú hích để các đơn vị phát triển. Mỗi đề án khuyến công được triển khai đều thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn, khuyến khích các cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường có sức cạnh tranh cao như hiện nay.
Theo Tạp chí Công nghệ và Tiêu dùng