Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 05:29 GMT+7

Sản xuất bền vững

4,1 tỷ USD hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu

19/07/2018

Mới đây, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu khai mạc. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà được bầu làm Chủ tịch, điều hành Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhấn mạnh Trái Đất – ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.
Do vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự kỳ họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ của chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Và hơn hết là để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao việc trong gần ba thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự hỗ trợ của Quỹ GEF dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Quỹ Môi trường toàn cầu và các quốc gia thành viên GEF, các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tư vấn, hợp tác, hỗ trợ nguồn lực quý báu của các bạn.
Để góp phần vào thảo luận của Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng GEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nội dung quan trọng để các đại biểu thảo luận: cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó; cần đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra; cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…; cũng như cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng…
Bà Naoki Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu cảm ơn Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vì đã chủ trì tổ chức Đại Hội đồng GEF, tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc.
Bà Naoki Ishii cho biết, bản thân rất ấn tượng tới kết quả của công cuộc đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy, 5,5% trong gần ba thập niên và trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Hơn nữa, Việt Nam đã làm được điều này với sự ổn định và chất lượng; tỉ lệ nghèo đói đã giảm từ 50% xuống chỉ còn 3% và người dân Việt Nam giờ đây có sức khỏe và một nền giáo dục tốt hơn so với nhiều nước ở ngưỡng trên mức thu nhập trung bình.
Đó là một thành tựu to lớn của Việt Nam. Trong quá trình phát triển này, Việt Nam cũng đã phải chịu đựng sự suy thoái đất và rừng, ô nhiễm không khí và nguồn nước; đồng thời nhận thức rất rõ về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường; về sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng như khuyến khích năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, vì các đại dương xanh và khỏe mạnh.
Nhấn mạnh tới vai trò của Quỹ Môi trường toàn cầu trong suốt 25 năm qua đồng hành trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, bà Naoki Ishii thừa nhận rằng thành công trong quá khứ này là không đủ và chúng ta phải thay đổi.
Chúng ta phải chuyển đổi các hệ thống kinh tế chủ chốt; chuyển đổi hệ thống lương thực và sử dụng đất; chuyển đổi các thành phố; chuyển đổi hệ thống năng lượng – để chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn.
Chúng ta phải khôi phục lại các hệ sinh là nền tảng cho phát triển xã hội và kinh tế của chúng ta. Muốn thế, cần phải dựa trên sự liên kết giữa nhiều cơ quan, đối tác liên quan – chính là sức mạnh của sự hợp tác – sự hợp tác của 183 quốc gia thành viên, 18 cơ quan lớn với mạng lưới đối tác mạnh để thực hiện 5 Công ước bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu…
Chính vì vậy, GEF-7 chính là cơ hội để cùng thay đổi. Với 29 nhà tài trợ, GEF đã có sự bảo đảm về 4,1 tỷ USD trong bốn năm tới cho rất nhiều chương trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.
Kỳ họp Đại hội đồng GEF-6 diễn ra trong 2 ngày 27 – 28/6/2018, tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các Văn kiện hợp tác GEF; Báo cáo về Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF); Báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; Báo cáo của Ban Tư vấn về Khoa học và Kỹ thuật; Đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành Quỹ; Báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF.
Đồng thời cũng sẽ thông qua kết quả các Phiên họp hội nghị bàn tròn cấp cao về một số chủ đề trọng tâm như phát triển kinh tế xanh lam; quản lý đất đai; hóa chất, chất thải và thủy ngân; thành phố bền vững; động vật hoang dã…; và thông qua Văn kiện hợp tác GEF.
Cũng trong ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana; tiếp Lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, UNIDO, WB và tập đoàn Unilever tại Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu GEF lần thứ 6.
Theo Vietnamplus.vn