Hội thảo “Tiếp cận tiêu chuẩn, xanh hóa ngành hàng chủ lực” vừa được tổ chức tại Vĩnh Long đã mở ra một diễn đàn kết nối các nhà quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Sự kiện đánh dấu bước khởi động cho chuỗi hoạt động hướng tới Mekong Connect 2025, đặt nền tảng cho phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Trung tâm BSA tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng đại diện doanh nghiệp các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và các chuyên gia đến từ Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao. Sự kiện nhằm làm rõ vai trò của tiêu chuẩn ESG trong quá trình hội nhập, đồng thời tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Các gian hàng trưng bày tại hội thảo (Ảnh: baovinhlong)
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào việc xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, thúc đẩy liên kết vùng và đưa tiêu chuẩn quốc tế vào chuỗi ngành hàng chủ lực như dừa, cà phê, gốm, lúa gạo… Nhiều doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình tiếp cận các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc – nơi mà tiêu chuẩn xanh và minh bạch chuỗi cung ứng đang là điều kiện bắt buộc.
Đáng chú ý, Hội thảo ghi nhận nhiều mô hình tiêu biểu từ địa phương như Hợp tác xã Lạc Địa (Bến Tre) áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành dừa, hướng tới tín chỉ carbon và mục tiêu Net Zero. Mô hình canh tác lúa - tôm và sản xuất nông nghiệp carbon thấp cũng được đánh giá là hướng đi khả thi trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực môi trường ngày càng lớn.
Đối với ngành gốm Vĩnh Long một trong những ngành có tiềm năng lớn nhưng cũng đối mặt với yêu cầu chuyển đổi công nghệ nhiều doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm cải tiến quy trình, sử dụng nguyên liệu thân thiện và tái cấu trúc sản xuất để đáp ứng yêu cầu về khí thải và tiết kiệm năng lượng.
Tại hội thảo, một trong những vấn đề được đề cập nhiều là sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và năng lực thực thi ESG trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chuyên gia nhấn mạnh, ESG không phải là khái niệm xa vời mà chính là công cụ để nâng cao giá trị thương hiệu, giảm rủi ro và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn thiếu kiến thức, tài chính và công cụ đo lường để triển khai ESG một cách bài bản.
Hội thảo cũng cho thấy tầm quan trọng của liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông trong quá trình chuyển đổi xanh. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình đổi mới công nghệ sạch, xây dựng cụm công nghiệp sinh thái và kết nối chuyên gia, nguồn vốn đầu tư. Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Long khẳng định sẽ đóng vai trò cầu nối để lan tỏa nhận thức và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xanh, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Sự kiện tại Vĩnh Long không chỉ mang ý nghĩa khởi động chuỗi Mekong Connect 2025 mà còn thể hiện quyết tâm rõ ràng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn và minh bạch. Đây là cơ hội để địa phương phát huy lợi thế ngành hàng chủ lực, đồng thời khẳng định vị thế trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội thảo kết thúc với sự đồng thuận cao về mục tiêu chung: Doanh nghiệp không thể phát triển nếu đứng ngoài xu hướng xanh hóa và chuyển đổi tiêu chuẩn chính là chiếc chìa khóa để mở ra tương lai bền vững.
Tuệ Lâm