Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố loạt biện pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Clean Industrial Deal” (Thỏa thuận Công nghiệp Sạch) và “Competitiveness Compass” (La bàn Cạnh tranh).
Kế hoạch tập trung vào mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế trong khối vào năm 2030 và thiết lập các cơ chế pháp lý hỗ trợ hoạt động tuần hoàn. Trục chính của chiến lược là dự thảo Circular Economy Act, dự kiến được chính thức ban hành vào năm 2026.
Một phần quan trọng của hành động này là xây dựng thị trường đơn nhất cho nguyên liệu tái chế, nhằm hạ giá nguyên liệu đầu vào và tạo động lực cho tái chế, tái tạo và sử dụng lại các vật liệu thứ cấp . EC sẽ đơn giản hóa các quy định về “end-of-waste”, mở rộng trách nhiệm môi trường của nhà sản xuất (EPR), khuyến nghị sử dụng kim loại phế liệu và vật liệu sinh học, sửa đổi quy định về e‑waste (WEEE) để thu hồi kim loại công nghiệp quan trọng.
EU đẩy mạnh sáng kiến hướng đến kinh tế tuần hoàn (Ảnh: shutterstock)
EC cũng sẽ triển khai hệ thống điện tử quản lý (Digital Waste Shipment System) vận chuyển chất thải xuyên biên giới, dự kiến vận hành toàn EU trước ngày 21/5/2026.
“Kế hoạch Công nghiệp Sạch” dành gần 100 tỷ EUR để đầu tư vào điện sạch, hạ tầng lưới điện, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xanh, và một Ngân hàng Công nghiệp khử cacbon dự kiến thành lập từ năm 2026 . EC cam kết sửa đổi InvestEU, đơn giản hóa trợ cấp nhà nước và thúc đẩy các hiệp định mua điện sạch, qua đó giảm chi phí đầu vào và thúc đẩy đà tuần hoàn.
Tác động đối với Việt Nam
Việc Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và dự kiến ban hành Đạo luật Kinh tế tuần hoàn vào năm 2026 không chỉ là bước ngoặt trong chiến lược phát triển bền vững của nội khối mà còn tạo ra những tác động dây chuyền đến các đối tác thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn vào EU với nhiều mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, điện tử và bao bì, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải tái cấu trúc mạnh mẽ trong tư duy sản xuất và mô hình kinh doanh.
Các tiêu chuẩn mới từ phía EU ngày càng nghiêm ngặt và toàn diện, tập trung vào vòng đời sản phẩm (LCA), khả năng tái chế, độ bền vật lý, tính dễ sửa chữa, truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Những yêu cầu này sẽ định hình lại cách thức doanh nghiệp Việt thiết kế, sản xuất, phân phối và thu hồi sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp còn chậm thích ứng, đặc biệt những đơn vị phụ thuộc vào nguyên liệu sơ cấp hoặc quy trình sản xuất tuyến tính, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là hiện hữu. Việc mất khả năng tiếp cận thị trường EU không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu mà còn làm giảm sức cạnh tranh lâu dài trong bối cảnh các thị trường khác cũng dần áp dụng quy chuẩn tương tự.
Sản phẩm bao bì giấy tái chế, phân hủy sinh học từ Senpak – minh chứng cho xu hướng bao bì tuần hoàn đang phát triển tại các doanh nghiệp Việt (Ảnh: Senpak)
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh như sử dụng vật liệu tái chế, áp dụng thiết kế sinh thái (eco-design), cải tiến bao bì, xây dựng hệ thống logistics ngược (reverse logistics) hoặc cung cấp sản phẩm dưới dạng dịch vụ (product-as-a-service) thì đây là cơ hội chiến lược để tiếp cận thị trường cao cấp.
EU đang ưu tiên các nhà cung cấp “xanh” trong hoạt động mua sắm công, đồng thời mở rộng các quỹ tài chính xanh, các gói hỗ trợ kỹ thuật và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đáp ứng các chuẩn tuần hoàn. Điều này mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ duy trì mà còn nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, nếu có chiến lược chuyển đổi kịp thời và bài bản.
Tác động từ EU không dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà sẽ lan tỏa tới toàn bộ thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam. Khi các thương hiệu xuất khẩu phải “xanh hóa” sản phẩm, mô hình kinh doanh cũng sẽ dịch chuyển theo hướng bền vững, kéo theo sự thay đổi hành vi tiêu dùng trong nước, khi người tiêu dùng dần quen với các sản phẩm thân thiện môi trường, bao bì sinh học, thiết kế có thể tái chế hoặc các dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp thay vì thay mới. Các nhà phân phối, bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử trong nước cũng sẽ phải thích nghi để theo kịp xu hướng này.
Nếu Việt Nam sớm xây dựng và nội luật hóa các chính sách tương thích với khung pháp lý của EU như quy định về nhãn sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ưu đãi thuế xanh thì người tiêu dùng trong nước không chỉ được tiếp cận với các sản phẩm bền vững hơn mà còn được bảo vệ tốt hơn về quyền lợi, sức khỏe và môi trường sống. Trong dài hạn, việc điều chỉnh theo định hướng tuần hoàn không chỉ là yêu cầu từ bên ngoài mà sẽ trở thành động lực nội tại để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, linh hoạt và có khả năng chống chịu cao hơn trước các cú sốc môi trường và thị trường.
Minh Khuê