Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 05:00 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Doanh nghiệp tích cực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

27/03/2024

Đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng.
Xu hướng phát triển mới
Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, suy giảm chất lượng môi trường, biến đổi khí hậu gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, mô hình phát triển kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp. Kinh tế tuần hoàn trở thành nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu. Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn quan trọng vì nó giúp thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời góp phần thực hiện các cam kết về giảm phát thải, trung hòa carbon, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, từ những năm 1980 đã có một số mô hình kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, như mô hình vườn – ao – chuồng (VAC). Có thể coi đây gần như là một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dù chưa hoàn thiện và áp dụng chủ yếu ở quy mô nhỏ. Nó cũng bước đầu cho thấy hiệu quả, lợi ích của kinh tế tuần hoàn.
Những năm gần đây, nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được đề xuất và từng bước triển khai. Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú ý, đầu tư cải tiến để từng bước phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng các giải pháp xanh hóa sản xuất như sử dụng nguyên liệu bền vững, tận dụng năng lượng sạch, thực hành tiết kiệm năng lượng, xây dựng quy trình thu gom, tái chế…
Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đế án đưa ra một số mục tiêu như:
- Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải KNK trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2025
- Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bắt đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp…
- Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo…
- Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương…
- Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế…
Doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi
Với ngành nghề chính là tái chế giấy bao gói công nghiệp, mỗi năm, Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ (tỉnh Thái Nguyên) sản xuất và cung ứng ra thị trường 160 nghìn tấn sản phẩm. Để bảo đảm môi trường trong quá trình sản xuất, Công ty đã đầu tư nhiều dây chuyền xử lý, quan trắc nước thải, khí thải tự động với kinh phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn (tái tạo các nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng).
Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ: Nhờ tăng cường tái sử dụng nguồn nước trong toàn bộ khâu sản xuất nên định mức nước sản xuất của Công ty hiện chỉ là 2m3/tấn sản phẩm, giúp giảm 50% công suất hoạt động của hệ thống xử lý nước thải. Còn đối với khí thải, Công ty đã chuyển đổi từ lò hơi đun sôi sử dụng than đốt sang lò hơi tầng sôi sử dụng bằng các phế phẩm lâm nghiệp thân thiện với môi trường như mùn cưa, vỏ cây... Nhờ đó giảm đáng kể khói bụi, khí CO từ than đốt; đặc biệt là cải thiện môi trường làm việc của công nhân.
Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ tăng cường tái sử dụng nguồn nước trong toàn bộ khâu sản xuất. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Ở một góc độ khác của áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Nhà máy Xi-măng Lam Thạch (Công ty Cổ phần Xây dựng và Xi-măng Quảng Ninh) có công suất thiết kế 1.200 tấn clinker/ngày, trong quá trình sản xuất, nhà máy phải sử dụng một lượng lớn nguồn nguyên liệu là than cám trong lò nung. Từ tháng 3-2021, các kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công đề tài “Ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker”. Theo đó, chất thải thu được từ phong trào “Biến rác thải thành tiền” và từ các nhà máy, công nghệ cao trên địa bàn được doanh nghiệp thu gom về kho chứa. Tại đây, các loại chất thải sẽ trải qua quy trình khép kín băm nhỏ, sấy khô và theo băng tải rót vào các lò nung linker để làm nguyên liệu đốt thay thế than cám.
Theo Phó Giám đốc nhà máy Xi-măng Lam Thạch Trần Hữu Quỳnh, việc đồng xử lý chất thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker ở nhà máy Xi-măng Lam Thạch đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất; lợi ích kinh tế khi triển khai đã làm lợi cho công ty mỗi năm 13,2 tỷ đồng. Ngoài lợi ích kinh tế, việc tận dụng nguồn năng lượng do đốt chất thải để nung clinker cũng góp phần giảm tiêu hao nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy là than cám.
Dây chuyền sấy chất thải rắn công nghiệp làm nguyên liệu thay thế tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Có thể nói việc tham gia vào kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp nào đi trước sẽ có nhiều lợi thế hơn trong mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao được thương hiệu.
Thế nào là kinh tế tuần hoàn?
Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thậm chí thải ra môi trường tự nhiên. Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững mô hình truyền thống nói trên.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.
Như vậy, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Hương Trà