Ngày 19/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Dự thảo Quyết định Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030

10:40 - 03/11/2023
Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến 2030.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 được xây dựng bám sát các quan điểm sau:
- Thực hiện kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050;
- Thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, cơ chế, định hướng, cung cấp thông tin, dữ liệu, tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư, các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện kinh tế tuần hoàn;
- Thực hiện kinh tế tuần hoàn là tiến trình dài và liên tục, cần được đánh giá và điều chỉnh trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa trong suốt quá trình thực hiện. Tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng, đặc điểm của các ngành, lĩnh vực, từng vùng, miền và địa phương để lựa chọn, nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp, hiệu quả, giàu tính cạnh tranh;
- Khuyến khích áp dụng, thử nghiệm cơ chế, chính sách mới, phát triển hạ tầng liên kết, đồng bộ giữa các vùng, miền, tổ chức, cá nhân trong thực hiện kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải;
- Phát huy nội lực, tính độc lập, tự chủ trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, đồng thời tích cực tận dụng và thu hút các cơ hội, nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Thực hiện kinh tế tuần hoàn là tiến trình dài và liên tục, cần được đánh giá và điều chỉnh trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa trong suốt quá trình thực hiện; phát triển các thói quen tốt, bảo tồn và phát triển các nét văn hóa tốt trong sản xuất và tiêu dung bền vững là điều kiện để duy trì tính bền vững trong thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là: Hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, gắn với thực hành tốt, tạo dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
Mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2025 xây dựng, thiết lập cơ chế vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn; Ban hành khung hướng dẫn; hoàn thành việc xây dựng, ban hành kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của các ngành, lĩnh vực, địa phương; Kinh tế tuần hoàn được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải ở các cấp, các ngành; Ban hành, tổ chức hướng dẫn áp dụng hiệu quả các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; Xây dựng tài liệu, tổ chức hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo lộ trình; Thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng khung giám sát chung về thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Đến năm 2030 kinh tế tuần hoàn được phổ biến, áp dụng rộng rãi và là nguyên tắc, cách tiếp cận ưu tiên trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý chất thải ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế; Hình thành môi trường thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật, khoa học
công nghệ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong áp dụng kinh tế tuần hoàn theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; Hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Phát triển các thói quen, thực hành tốt về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; phổ biến, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với lợi thế và đặc trưng của các ngành, lĩnh vực và từng địa phương; Hình thành các chuỗi cung ứng và thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu theo các sản phẩm, dòng chất thải trọng tâm theo các chiến lược, biện pháp và tiêu chí của kinh tế tuần hoàn đối với một số sản phẩm có tiềm năng hoặc tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu và năng lượng; Đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN; đóng góp đáng kể vào mục tiêu phục hồi xanh ở các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; Đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường đã được đề ra trong các Văn kiện của Đảng; chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Các chỉ tiêu cụ thế đến năm 2030
Về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo: Tổng giá trị sản xuất tạo ra trên 1 đơn vị tài nguyên khoáng sản sử dụng GDP phân theo loại khoáng sản chính (Tỷ VNĐ/1000 tấn hoặc tốc độ tăng của Mr/GDP giảm) đạt nhóm đầu ASEAN; Tổng giá trị sản xuất (GDP) tạo ra trên 1 đơn vị tài nguyên nước sử dụng phân theo các lưu vực sông chính (triệu m3/GDP) đạt nhóm đầu ASEAN; Công suất các nhà máy điện sinh khối, điện sản xuất từ rác đạt 2.270 MW (chiếm 1,5% tổng công suất các nhà máy điện); Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tính trên đơn vị GDP (KgOE/GDP) giảm dần theo các năm; Tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt 15-20%.
Về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân người dân (kg/người/ngày) giảm dần theo các năm; Tỷ lệ rác thải hữu cơ ở được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn; Tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đạt trên 70%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10% - 15% so với năm 2020; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng tăng dần theo các năm; Tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng theo quy định tăng dần theo các năm; Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đến năm 2030 đạt trên 70%.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững: Số lượng việc làm mới được tạo ra từ thực hiện kinh tế tuần hoàn tăng dần theo các năm; Số lượng các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng các giải pháp của kinh tế tuần hoàn tăng dần theo các năm; Số lượng các công nghệ, thiết bị, sản phẩm được chuyển giao ứng dụng, cấp bằng sáng chế về tái chế, tái sử dụng tăng dần theo các năm; Số lượng tổ chức tham gia vào tư vấn, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn tăng dần theo các năm.
Chi tiết dự thảo Quyết định tại đây.
Chi tiết dự thảo Tờ trình tại đây.
Mai Anh