Ngày 06/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh

13:51 - 18/08/2023
Tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh do Chính phủ đề ra. Trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh được cộng đồng dân cư, nhất là cư dân đô thị đồng tình hưởng ứng. Vì vậy, việc sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường được dự báo sẽ trở thành xu hướng và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững.
Trong đó, đề cao việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (BVMT), gắn nhiệm vụ, mục tiêu BVMT với phát triển KT - XH; chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Người dân lựa chọn rau quả sạch tại siêu thị GO! Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng
Hưởng ứng Chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia, những năm qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, nguồn nước.
Đồng thời, giảm thiểu các cơ sở phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, BVMT và sức khỏe của người dân. Xây dựng văn hóa tiêu dùng thông minh, hài hòa, thân thiện với môi trường; phát triển thị trường các sản phẩm sinh thái về sản xuất và tiêu dùng.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28 về thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số.
Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Định hướng, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và địa phương phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Ngành chăn nuôi được được phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, áp dụng KHCN chăn nuôi an toàn sinh học, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc và đầu ra ổn định.
Góp phần hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất các dòng sản phẩm theo tiêu chí xanh, sạch hơn, ngày càng đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Công Võ, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Ngày nay, thói quen tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng chất lượng sản phẩm, độ bền, giá cả, mà còn quan tâm nhiều đến các yếu tố an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ hay công dụng, tính năng sản phẩm hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng…
Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, BVMT. Một số người dân sẵn sàng trả giá cao hơn đối với những sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh và xem đó là tiêu chuẩn cho một sản phẩm chất lượng cao”.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích áp dụng chương trình thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm sạch, dùng bao bì thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Liên Minh, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: “Có những thời điểm, việc sử dụng các loại túi nilon dễ phân hủy, lá chuối để gói ghém, đựng thực phẩm mỗi khi đi mua sắm trở thành trào lưu của người dân từ thành thị đến nông thôn.
Tuy nhiên, trào lưu này đã nhanh chóng bị “hụt hơi” do chi phí sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường cao, thiếu tính tiện lợi so với các loại bao bì thông dụng.
Bên cạnh đó, loại hình thương mại điện tử đang phát triển mạnh đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Việc mua hàng qua mạng internet đã làm phát sinh thêm nhiều loại hộp nhựa, túi nilon để đóng gói sản phẩm…
Để có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, qua nhiều hình thức tuyên truyền của chính quyền các cấp, để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình, người tiêu dùng đã dần hưởng ứng trào lưu mua sắm xanh.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, tôi và các thành viên trong gia đình đều xách làn bằng mây tre để đựng các loại thực phẩm”.
Để xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh ngày càng lan tỏa rộng rãi, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực từ phía nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo cơ quan quản lý ATTP kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nông sản...
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về những sản phẩm thân thiện với môi trường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định.
Cung cấp thông tin, tăng tính dự báo nhu cầu của thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp, góp phần thúc đẩy xu hướng cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của người dân.
Theo: Báo Vĩnh Phúc