Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 12/10/2024 | 03:49 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

18/07/2023

Đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một mô hình kinh doanh mới được nhiều doanh nghiệp hướng tới và triển khai.
Điển hình như Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling – DTR) đã ghi được dấu ấn bằng việc tạo ra “vòng đời mới” cho các sản phẩm nhựa. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững của DTR cho biết, nhà máy tái chế nhựa của DTR được xây dựng vào cuối năm 2019 tại Long An và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020. Hiện mỗi năm nhà máy có thể thu gom, xử lý và tái chế 30.000 tấn nhựa PET, dự kiến sắp tới sẽ tăng gấp đôi công suất lên 60.000 tấn/năm. Với nhựa HDPE và nhựa PP, công suất hiện tại là 10.000 tấn/năm mỗi loại và dự kiến cũng sẽ nâng gấp 3 công suất lên 30.000 tấn/năm.
Điều đặc biệt là các sản phẩm nhựa tái chế của DTR đã đạt tiêu chuẩn để có thể sử dụng trong ngành thực phẩm với 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP... Ông Lê Anh tiết lộ con số ấn tượng là trong năm 2022 DTR đã thu gom và tái chế được hơn 1,3 tỷ chai nhựa. Trong đó, có 4.000 tấn hạt nhựa tái chế đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ - thị trường khắt khe hàng đầu trên thế giới. Ngoài thị trường Mỹ, hạt nhựa tái chế của DTR cũng đã được xuất khẩu tới 12 thị trường khác. Hiện công ty đang là đối tác của nhiều nhãn hàng lớn như Lavie, Nestlé, Suntory Pepsico…
Hạt nhựa từ vỏ chai cũ sẽ trở thành nguyên liệu tạo thành vỏ chai mới. (Ảnh: Nhựa Duy Tân)
Hay tại, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc – DN chuyên về nội thất inox và nhựa cũng đã có nhiều sáng tạo trong quy trình sản xuất để tận dụng tối đa những nguyên vật liệu dư thừa, phể phẩm trong quá trình sản xuất. Ví dụ như khi sản xuất chiếc bàn tròn, tấm inox sẽ dư ra các tấm tam giác ở 4 góc. Thay vì bỏ những góc này đi hoặc bán phế liệu, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc đã nghiên cứu cách tận dụng phần này để sản xuất ra những sản phẩm mới như kệ góc trong phòng tắm, họa tiết trang trí trên các sản phẩm kệ… và được thị trường đón nhận. Đối với sản phẩm nhựa, Qui Phúc cũng có quy trình sản xuất để các chất thải trong quá trình sản xuất không bị đưa trực tiếp ra ngoài môi trường.
Bà Văn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc cho biết: “Nhiều người cho rằng việc áp dụng tiêu chí xanh trong các ngành sản xuất nội thất như của Qui Phúc là rất khó, nhưng thực tế Qui Phúc đã thực hiện từ rất lâu rồi. Đặc biệt, dù chỉ cần áp dụng ISO 9000 là Qui Phúc đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm, nhưng công ty vẫn áp dụng chứng nhận ISO 14000 và chuẩn bị được cấp chứng nhận này để đảm bảo các mục tiêu về môi trường xanh”.
Tương tự Nestlé Việt Nam cũng đã thực hiện mô hình tuần hoàn sử dụng bã cà phê thành nguyên liệu sinh khối thay thế dầu đốt. Bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối thay cho nhiên liệu đốt để vận hành lò hơi; tro và cát thải lò hơi sau khi đốt dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung; bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; hơi nước được tái sử dụng cho tháp giải nhiệt; nước thải được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất và chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A.
Bên cạnh lợi ích đối với nền kinh tế, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà nhập khẩu hiện nay, bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh thì họ còn đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất đối với yếu tố môi trường, tăng trưởng xanh… Nên phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là hướng đi, là xu thế tất yếu của cả nền kinh tế mà còn là xu thế không thể đảo ngược của cộng đồng doanh nghiệp.
Mai Anh