Ngày 05/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Xử lý rác thải hữu cơ từ mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen

10:16 - 15/07/2023
Từ lâu trên thế giới, việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác hữu cơ (chiếm 50 – 70% tổng số rác thải trong gia đình) đã là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động ô nhiễm tới đời sống con người. Đồng thời, thành phẩm thu được cũng là nguồn phân bón, nguồn thức ăn chất lượng phục vụ cho quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc xử lý rác thải hữu cơ còn nhiều khó khăn do người dân chưa ý thức được việc phân loại rác cũng như tiếp cận những lợi ích mà quá trình này mang lại. Cùng với đó, mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ nông dân vẫn chưa đạt được kết quả cao, do việc xây dựng mô hình xử lý còn nhiều hạn chế, chưa bám sát khả năng kinh tế của người dân.
Mô hình xử lý rác hữu cơ truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế (Ảnh: Baohoabinh.com.vn/)
Trước thực trạng này, nhằm nâng cao khả năng xử lý rác hữu cơ trực tiếp cho các hộ gia đình, tác giả Đỗ Minh Khôi đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng biện pháp xử lý rác hữu cơ được xử lý bằng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Theo chia sẻ từ tác giả, việc lựa chọn ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ là phù hợp bởi đây là loài côn trùng có vòng đời kéo dài từ 45 – 60 ngày, với 5 giai đoạn tiến hóa (trứng ruồi - ấu trùng – sâu canxi – nhộng – ruồi trưởng thành). Trong số đó, giai đoạn ấu trùng ruồi và sâu canxi là quan trọng nhất bởi đây là thời điểm chúng thực hiện tiêu thụ rác hữu cơ để tiến hóa thành ruồi trưởng thành. Đồng thời, mỗi ấu trùng ruồi còn có khả năng tiêu thụ 25 – 500mg thức ăn tươi mỗi ngày để thải ra phân bón. Do đó, việc ứng dụng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen là phù hợp với mục tiêu xử lý rác thải trong các hộ gia đình ở Việt Nam.
So với các mô hình đang được triển khai cố định, nghiên cứu của tác giả Đỗ Minh Khôi giúp xây dựng một mô hình có thể di chuyển một cách nhẹ nhàng, giúp người dân có thể dễ dàng thay đổi vị trí khi cần thiết. Đồng thời, mô hình kiểu mới nhờ được lắp ráp bằng các vật dụng đơn giản nên chỉ chiếm diện tích nhỏ, có thể dễ dàng tháo lắp, cất gọn nếu không muốn sử dụng đến. Đây cũng là yếu tố giúp cho mô hình xử lý rác thải hữu cơ của tác giả Đỗ Minh Khôi vừa giúp tiết kiệm không gian mà cũng góp phần giảm thiểu chi phí khi lắp đặt cho khách hàng.

1. Tấm chứa rác hữu cơ và ấu trùng ruồi lính đen; 2,3. Máng thu nước thải; 4. Vòi phun sương; 5. Bánh xe giúp mô hình có thể di chuyển; 6. Khu vực thu hoạch ấu trùng trưởng thành; 7. Tủ tiện lợi; 8. Ống dẫn ấu trùng trưởng thành ra ngoài
Mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đối với quá trình vận hành, mô hình xử lý rác thải bằng ruồi lính đen của tác giả Đỗ Minh Khôi được chia tách thành 2 phần khác nhau bao gồm: bộ phận để rác với ấu trùng (phần phía trước) và bộ phận thu tách sâu canxi (phần phía sau). Để thực hiện, đầu tiên người dân sẽ cho trứng ruồi vào 3 tầng của mô hình (phần phía trước), sau đó cho ấu trùng ăn rác thải hữu cơ hằng ngày. Đồng thời, người nuôi cần phải mở vòi phun sương hàng ngày để quá trình nuôi dưỡng ấu trùng ruồi được ổn định, cũng như khả năng phân hủy rác hữu cơ đạt được kết quả tốt nhất. Kết quả thu được từ quá trình tiêu thụ rác của ấu trùng ruồi sẽ là nguồn phân bón sử dụng trực tiếp cho cây trồng. Ngoài ra, lượng ấu trùng (nhộng) dư thừa có thể được sử dụng làm thức ăn cho các loài gia cầm như gà, vịt,…
Quá trình xử lý rác hữu cơ và trưởng thành của ấu trùng ruồi lính đen (Ảnh do tác giả cung cấp)
Riêng với lượng ấu trùng được tiếp tục sử dụng cho quá trình xử lý, khi phát triển thành sâu canxi, chúng sẽ bò sang vị trí thu hoạch sâu canxi (phần phía sau). Tại đây, chúng sẽ theo đường ống phía sau di chuyển vào nơi chứa, giúp tạo môi trường riêng tư không có sự can thiệp nhiều của con người để cho ruồi lính đen phát triển. Từ đó sẽ giúp phát triển thế hệ ấu trùng ruồi lính đen mới, góp phần đảm bảo quá trình xử lý rác thải hữu cơ bằng mô hình ấu trùng ruồi lính đen được tuần hoàn, khép kín.
Với khả năng hoạt động đơn giản, dễ dàng sử dụng, mô hình xử lý rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen của tác giả Đỗ Minh Khôi và các cộng sự đã và đang được áp dụng tại nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, sản phẩm này cũng được đưa đi tham dự một số cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ, hướng tới nâng cao chất lượng môi trường và sản xuất bền vững. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến, tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI nhằm đảm bảo quá trình hoạt động, tăng tính hiệu quả trong tương lai.
Ruồi lính đen đang là một nguồn tài nguyên dồi dào tại Việt Nam bởi điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho chúng phát triển, việc tận dụng nguồn tài nguyên này để xử lý rác hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người như xử lý triệt để rác hữu cơ, không mang kèm theo những hậu quả về môi trường đất và không khí.
Quang Ngọc