Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 04:02 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Sản xuất gạch không nung: Lợi ích nhiều mặt

14/01/2020

Công nghệ sản xuất gạch không nung (GKN) đang được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất GKN, đón đầu xu hướng phát triển loại vật liệu "xanh" này.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung
Theo ước tính, mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 40 tỷ viên/năm. Để đạt được số lượng gạch trên, nếu dùng đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m3, tương đương với 2.800 - 3.000ha đất nông nghiệp, làm tiêu tốn tài nguyên. Trong khi đó, lợi ích kinh tế, môi trường của việc sử dụng GKN mang lại rất rõ ràng, tiết kiệm tài nguyên đất sét, diện tích canh tác nông nghiệp, nhiên liệu và năng lượng, giảm khí thải; đặc biệt, tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác như: Nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng...
Là một trong những DN tiên phong phát triển GKN, Công ty Cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng đã đầu tư xây dựng mới Nhà máy Sản xuất GKN với 3 dây chuyền thiết bị tự động hóa cao theo công nghệ tiên tiến nhập khẩu từ Hàn Quốc, công suất 100 triệu viên QTC/năm, cung cấp cho thị trường các loại GKN có chất lượng đảm bảo thay thế dần gạch đất sét nung, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Công ty Cổ phần Cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc cũng đang vận hành 2 nhà máy: Nhà máy Sản xuất GKN và Nhà máy Cơ khí - chế tạo máy sản xuất GKN. Với tiêu chí chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu, thương hiệu gạch ngói Thanh Phúc đã có uy tín trong lĩnh vực vật liệu xây không nung tại Việt Nam, sản phẩm có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của chủ đầu tư tại các công trình trọng điểm như: Cảng Cái Lân, cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện, Khu công nghiệp Tràng Duệ… và hầu hết các công trình lớn khác tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Thanh Phúc cũng là DN đầu tiên được Bộ Xây dựng cấp Giấy chứng nhận dây chuyền phù hợp tiêu chuẩn sản xuất vật liệu xây không nung.
Ông Võ Quang Diệm - chuyên gia Dự án "Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN tại Việt Nam", nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - khẳng định, hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất GKN đã đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa hoàn toàn, làm chủ được công nghệ, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất... Nhận thức về GKN cũng được thay đổi, quán triệt tốt hơn từ cán bộ quản lý nhà nước, nhà sản xuất, chủ đầu tư các công trình xây dựng, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đến người dân. "Qua điều tra thực tế, đánh giá thị trường của Dự án "Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam", chúng tôi nhận thấy, số lượng cơ sở sản xuất GKN đã tăng lên hơn 2.300 DN; trong đó, trên 360 DN có công suất từ 7 triệu viên trở lên, với tổng công suất thiết kế năm 2018 đạt khoảng 12,6 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 35% tổng công suất thiết kế vật liệu xây" - ông Võ Quang Diệm cho biết.
Năm 2018, sản lượng vật liệu xây không nung toàn quốc đạt gần 5 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng vật liệu xây (năm 2010 khoảng 8%). Dự kiến, đến năm 2020, thị phần vật liệu xây không nung sẽ đạt từ 29 - 30% trong tổng số vật liệu xây.
Quỳnh Nga