Ngày 27/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Hà Nội - Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

16:42 - 19/12/2019
Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 nhằm phát triển các chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội thảo “Phổ biến cơ chế, chính sách và thông tin thị trường nhằm phát triển các chuỗi cung ứng bền vững địa bàn thành phố Hà Nội” vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, đầu tư cho phát triển bền vững là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Trong đó, mô hình kinh doanh xanh sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng. Và phát triển các chuỗi cung ứng bền vững sẽ giúp giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ hệ thống sản xuất và tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo ông Vương Đăng Hoa- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, hiện nay, việc sản xuất và tiêu dùng bền vững ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô, làm cho môi trường có nguy cơ bị đe dọa, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Hoạt động sản xuất kém hiệu quả đã gây gánh nặng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bóng đèn Điện Quang có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất xanh 
Trước thực tế đó, thực hiện Quyết định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 về hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 với mục tiêu: Thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; Triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế- ông Vương Đăng Hoa cho biết.
Đến từ Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Nhung đã giới thiệu về lợi ích của việc thực hiện “xanh hoá” chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo bà Nhung, Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển, với 280.000 – 730.000 tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Nguyên nhân của thực trạng trên là do người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, và cũng vì các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng nhựa, nylon rất phổ biến trong sản phẩm cũng như bao bì, đóng gói.
Đứng trên góc độ toàn cầu, mỗi năm có 20 - 50 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra môi trường trên toàn thế giới; và mỗi phút, có 2 triệu túi nhựa được sử dụng trên toàn thế giới.
Do vậy, việc xanh hóa sản xuất (giảm phát thải, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đổi mới theo hướng sinh thái) đã trở nên cấp thiết.
Mô hình kinh doanh xanh là một trong những thay đổi theo hướng xanh hóa từng thành phần của mô hình kinh doanh để khai thác các giá trị kinh tế của sự thay đổi, đồng thời giảm thiểu các tác động sinh thái với cách tiếp cận trên toàn bộ vòng đời. 
Đáng chú ý, Mô hình kinh doanh xanh chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Báo cáo năm 2015 của Nielsen cho thấy, 45% số người được hỏi trên toàn cầu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường; 41% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bao bì thân thiện với môi trường.
Khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, những thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức tăng trưởng cao 4 lần so với DN cùng ngành. Trong ngành thực phẩm nước giải khát, các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh xanh đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 2 - 11%. Một số nhãn hàng/thương hiệu của Việt Nam như Bóng đèn Điện Quang, Unilever, Ecopark, đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất xanh. Unilever cũng tăng trưởng 30% khi thể hiện cam kết của mình về sản phẩm “sạch”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định, chất lượng “xanh” là lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn, mô hình kinh doanh xanh góp phần bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng. Hơn nữa, doanh nghiệp sản xuất xanh cũng sẽ dễ tiếp cận với các nguồn tín dụng xanh để phát triển hoạt động của mình.
Theo VietQ