Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 22:17 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, dễ hay khó?

12/07/2019

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nước khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Du khách nhặt rác ở bãi biển An Bàng (Hội An) trong buổi ra quân phát động "Vì Hội An sạch hơn" do UBND TP.Hội An tổ chức hiều 4/7 mới đây
Trước đó, tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi các Bộ, ban, ngành, và từng gia đình, mỗi người dân tích cực hưởng ứng chống rác thải nhựa, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. 
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Hồng Hà cho rằng cần có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilông.
Đại diện Bộ Tài nguyên môi trường cho biết, mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm truyền thông Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết Bộ này đã triển khai một kế hoạch truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về mối nguy hiểm của rác thải nhựa. Đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp và người dân hưởng ứng.
Tiên phong trong việc nói không với đồ nhựa dùng một lần và ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường có nhiều doanh nghiệp ngành giao thông như Vietnam Airlines, Vietjet, Bambo Airways, Sasco. Nhiều doanh nghiệp siêu thị và sản xuất hang tiêu dùng cũng nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch này như Co.or mart, An Phát…
Nhìn từ Hội An (Quảng Nam) – thành phố đặc biệt, sở hữu đến 2 tài sản của thế giới gồm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và đô thị cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới. Hội An là điểm đến được du khách, đặc biệt là du khách châu Âu đặc biệt yêu thích. Du lịch tăng trưởng mạnh bên cạnh thúc đẩy tích cực phát triển kinh tế, xã hội, cũng đặt ra cho chính quyền TP.Hội An nhiều thách thức về bảo vệ môi trường nhất là trong chống rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hội An cho biết, đặt mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế - xã hội – môi trường, ngay từ năm 2009, chính quyền TP.Hội An đã có những hành động quyết liệt bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm thông qua việc cấm sử dụng túi nilon trên đảo.
“Thành phố đã phát động phong trào nói không với túi nilon trên đảo Cù Lao Chàm và được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.  Phụ nữ đi chợ đều sử dụng làn (giỏ) để mua bán, các thực phẩm được gói bằng giấy hoặc lá rừng, tuyệt đối không sử dụng túi nilon”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, thành phố đã thông báo cho các đơn vị lữ hành khi đưa khách ra Cù Lao Chàm tuyệt đối không được mang túi nilon.
“Trải qua 10 năm thực hiện, phong trào đã phát huy tác dụng tích cực và tương đối thành công. Nhờ những nỗ lực đó, đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm không bị tác động tiêu cực của rác thải nhựa, các rạn san hô phát triển rất tốt, thậm chí, chúng tôi nuôi thả nhiều thực vật biển như rùa biển và theo dõi rất chúng phát triển bình thường, không có hiện tượng bị nuốt phải túi nilon hay rác thải nhựa”, ông Sơn chia sẻ.
Chống rác thải nhựa và sử dụng túi nilon cũng được thực hiện ráo riết và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ, khách sạn, ăn uống và sự đồng lòng của người dân thành phố, cũng như sự tham gia nhiệt tình của các du khách khi đến với TP.Hội An.

Các bình nước của cán bộ, công chức, viên chức TP. Hội An
Đối với hoạt động khuyến khích, nói không với sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần được TP. Hội An triển khai từ đầu năm 2019.
Tại đảo Cù Lao Chàm, các đơn vị lữ hành ký cam kết về việc tuyên truyền đến du khách không mang sản phẩm nhựa dùng một lần ra đảo. Trong trường hợp du khách nếu mang ra thì khuyến cáo du khách phải mang về. “Ngay khi bước chân lên tàu, thuyền, cano ra đảo, du khách đã được các chủ phương tiện thông tin, tuyên truyền về hoạt động này. Khi cập cảng, ngay tại cầu cảng vào đảo cũng có những bảng thông tin tuyên truyền về việc không đưa sản phẩm và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trên đảo”, ông Sơn nói.
Trong các cơ quan đoàn thể của TP. Hội An hiện đã không còn sử dụng chai nước dùng một lần, thay vào đó là các bình đựng nước bằng thủy tinh. Sau mỗi lần sử dụng sẽ được súc rửa sạch sẽ và tái sử dụng.
Tại nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Hội An đã không còn sử dụng chai nước dụng một lần, hạn chế tối đa sử dụng túi nilon. “Nhiều quán ăn, nhà hàng chay tại Hội An ví dụ như quán chay Đạm trên đường Phan Châu Trinh đã không đựng đồ ăn cho khách bằng túi nilon hay hộp nhựa dùng 1 lần. Khách muốn mua đồ ăn phải mang theo cà mèn để đựng thức ăn, quán ăn từ chối bán cho khách sử dụng túi nilon hay sản phẩm nhựa dùng một lần”, ông Sơn cho hay.

Nhà hàng, quán ăn tại Hội An nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần
Tại nhà hàng Emic (Cẩm Thanh, Hội An), ngay từ khi xây dựng đơn vị này đã lấy phát triển bền vững là đích đến. Theo đó, tất cả các vật dụng đều được làm bằng inox hoặc may tre, giảm thiếu đến mức tối đa sử dụng túi nilon. Bà Lê Lan Lợi – Trưởng Bộ phận Môi trường Công ty TNHH Emic Hospitality (chủ đầu tư nhà hàng) cho biết: Chúng tôi đã có họp và thông báo đến các nhà cung cấp sản phẩm cho nhà hàng về việc không sử dụng túi nilon. Chúng tôi sẽ trả lại hàng nếu nhà cung cấp sử dụng túi nilon để đựng sản phẩm cung cấp cho nhà hàng.
Bà Lợi cũng cho hay, bắt đầu từ tháng 7/2018, nhà hàng đã chuyển từ sử dụng nước đóng chai bằng chại nhựa dùng 1 lần sang sử dụng bình thủy tinh. “Mặc dù giá cả có cao hơn một chút, nhưng đa phần khách hàng của chúng tôi đều thích thú và hưởng ứng cùng nhà hàng. Đối với khách không sử dụng nước của nhà hàng, khách hàng có thể lấy nước từ máy lọc nước để đựng vào chai mình mang theo để sử dụng”, bà Lợi nói.

Các nhà hàng tại Hội An xây dựng bài bản quy trình quản lý và xử lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn
Còn tại Silk Sense Hoi An River resort (Cẩm An, Hội An), bà Hà Thị Diệu Viên – trưởng phòng Tổ chức Hành chính, nhân sự đơn vị cho biết, ngay từ khi đi vào hoạt động, khách sạn đã sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như sử dụng tất cả vật liệu bằng gỗ thay vì dùng đồ nhựa. Các vật dụng phục vụ du khách đều là sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút giấy/ tre, túi giấy, ly giấy. Các túi đựng rác trong phòng là túi giấy dễ phân hủy. Từ giữa năm 2019, đã thay toàn bộ chai nhựa sử dụng một lần bằng chai thủy tinh sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, khuyến khích các nhà cung cấp không sử dụng túi nhựa dùng một lần khi giao hàng; Các thiết bị điện sử dụng là các loại thiết bị thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện năng. Tất cả nhân viên Silk Sense đều được đào tạo, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hằng tuần, nhân viên Silk Sense luôn có một buổi cùng chung tay dọn vệ sinh khu vực xung quanh cũng như làm sạch sông Cổ Cò.
Nói về việc chống sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần dễ hay khó, ông Sơn cho biết đây là công việc không thể thực hiện một sớm, một chiều mà cần có thời gian, trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức, nâng cao được ý thức của người dân và du khách.

Chợ phiên Hội An - nơi bày bán các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường
 “Khó khăn hiện nay là chưa có sản phẩm thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, nếu có thì giá thành cũng còn khá cao. Tại TP. Hội An, bước đầu chúng tôi đã có được những đơn vị, doanh nghiệp sản xuất được các sản phẩm thân thiện với môi trường như ly giấy, ống hút tre, nứa, ống hút gạo… Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, TP. Hội An đều đặn tổ chức được 2 kỳ chợ phiên mỗi tháng, mà ở đó, các sản phẩm được bày bán đều là sản phẩm sạch như rau sạch, thực phẩm sạch, các sản phẩm thân thiện với môi trường”, ông Sơn chia sẻ và cho biết thêm, thành phố đã tranh thủ được rất nhiều nhà tài trợ tài trợ các sản phẩm dùng một lần nhưng dễ phân hủy như túi giấy, giỏ đựng đồ đi chợ...., phát động, tuyên truyền "nói không với sản phẩm nhựa dung một lần", mới đây nhất là ra quân "Vì một Hội An sạch hơn" và Hội An sẽ tiến tới dần từ bỏ hoàn toàn thói quen sử dụng túi nilon.
ThS. Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, khó khăn của Cù Lao Chàm hiện nay đó là chưa có sản phẩm thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Để giải quyết khó khăn này, Cù Lao Chàm đang thực hiện mô hình đồng quản lý tài nguyên là nền tảng cho mọi hoạt động bảo tồn tài nguyên.
Vũ Lê