Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 03:28 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Thừa Thiên - Huế: Tận thu từ rác thải xây dựng

20/03/2024

Không chỉ tỉnh Thừa Thiên - Huế mà trên cả nước nói chung, lượng rác thải thây dựng hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng từng ngày. Với khối lượng lớn, kích thước cồng kềnh cũng như tiềm ẩn nhiều nguy hiểm việc quản lý và xử lý rác thải xây dựng là câu hỏi lớn cho các địa phương. Tận dụng rác thải xây dựng để tái sử dụng đang là tư duy mới, mamg lại nhiều hiệu quả của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, lượng rác thải xây dựng trên toàn tỉnh năm 2020 khoảng 78.840 tấn; năm 2025 là hơn 81.760 tấn và năm 2030 tăng lên khoảng 84.700 tấn. Nếu tập trung nghiên cứu, đầu tư máy móc, công nghệ để tận dụng tái chế loại rác này thành vật liệu xây dựng sẽ góp phần giảm áp lực cho nguồn cát sỏi khai thác tự nhiên và người dân có cơ hội mua được vật liệu giá rẻ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Rác thải xây dựng từ các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như các hộ gia đình vào mùa xây dựng mỗi ngày khá lớn. Lượng rác thải xây dựng như bê-tông, tường gạch… thông thường rất lớn nhưng việc thu gom, vận chuyển còn khá khó khăn. Các bãi thu gom, tập kết cũng yêu cầu diện tích lớn nên việc nghĩ đến làm kinh tế với nguồn rác thải xây dựng không nhiều doanh nghiệp nghĩ đến và thực hiện.
Tại bãi thu gom rác thải xây dựng ở kênh Nam sông Hương thuộc tuyến đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây (thành phố Huế) của Công ty TNHH MTV Long Tường mỗi ngày có hàng chục xe chở rác thải xây dựng hoạt động. Trung bình, mỗi ngày Công ty vận chuyển, tiếp nhận gần 100 tấn rác thải xây dựng để xử lý. Lượng rác thải xây dựng này được vận chuyển ra nhà máy đóng tại Cụm Công nghiệp Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) để xay nghiền, tinh tuyển tận thu lại cát, đá, bùn để tái sử dụng. Để có thể xử lý lượng chất thải xây dựng Công ty cũng đã tuyển chọn kỹ càng rác thải đầu vào bằng cách phân loại rác thải như bê-tông, tường... không tiếp nhận lẫn lộn rác thải sinh hoạt, cây cối…
Rác sau khi vận chuyển về nhà máy sẽ được xay vụn, đưa nước sàng rửa và tách tuyển thành 5 loại sản phẩm như cát xây dựng công trình, đúc gạch không nung, đá… còn bụi bẩn, xi-măng ở bể lắng lọc được xử lý tạo ra bùn trồng cây hoặc vật liệu san nền.
Từ cát tận thu sau xử lý, rác thải xây dựng trở thành gạch không nung
Công ty TNHH MTV Long Tường đã tự nghiên cứu, phát triển cho mình hệ thống xử lý, tận thu từ rác thải xây dựng với giá thành lắp đặt khoảng 4 tỉ đồng, công suất xử lý đạt đến 300 tấn/ngày. Với 50 khối rác thải xây dựng, Công ty sẽ tận thu được 10-12 khối cát, số còn lại là đá và bùn.
Tuy nhiên, do bãi tiếp nhận rác thải xây dựng nhỏ, việc thu gom, phân loại còn nhiều khó khăn nên hệ thống hoạt động vẫn chưa hết công suất, chỉ đạt khoảng 30% công suất. Nhà máy phải chờ gom hàng nên 3 - 4 ngày mới hoạt động một lần do người dân vẫn tìm mọi cách đổ trộm.
Tận thu từ rác thải xây dựng sẽ là xu hướng trong thời gian tới của các doanh nghiệp không chỉ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế mà các địa phương khác trên cả nước. Tận thu rác thải xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra nhiều công việc cho người dân cũng như hạn chế, giảm thiểu nạn đổ trộm rác thải gây ô nhiễm đến môi trường. Nhân rộng các mô hình này để thu gom, xử lý lượng rác nhiều hơn đòi hỏi Thừa Thiên – Huế phải nghiên cứu nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển, bên cạnh việc tiếp tục quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí, nước thải.
Theo: Công nghiệp và Môi trường