Ngày 08/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

Xi măng Đồng Lâm đổi mới công nghệ để bảo vệ môi trường

07:55 - 03/10/2023
Nhà máy Xi măng Đồng Lâm với công suất khoảng 1,6 triệu tấn clinker, hơn 1,8 triệu tấn xi măng/năm. Với mục tiêu sản xuất, kinh doanh đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, Xi măng Đồng Lâm luôn xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng.
Ông Nguyễn Hữu Chi, Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật sản xuất và Nghiên cứu phát triển của Xi măng Đồng Lâm chia sẻ, từ khi hoạt động, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được nhà máy đồng loạt triển khai, trong đó Xi măng Đồng Lâm đặc biệt chú trọng các giải pháp về công nghệ trong việc bảo vệ môi trường.
Máy nạp và đóng bao tự động ở Đồng Lâm (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)
Cụ thể, việc đổi mới công nghệ thời gian qua đã được doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình từng bước, bao gồm đầu tư hệ thống phun Ure khử NOx, hệ thống tận dụng nhiệt khí thải cho sấy nghiền xi măng và lắp mới hệ thống máy nạp, đóng bao tự động của hãng nổi tiếng Haver Boecker của Đức cho năng suất cao gấp rưỡi máy cũ, giảm phát thải bụi tối đa trong quá trình vận hành.
Cung với đó, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm lắp đặt hệ thống đóng và xuất bành tự động đáp ứng yêu cầu của khách hàng về lưu thông hàng hóa trong kênh phân phối, công tác cung ứng hàng hóa (phương thức giao nhận, bốc dỡ, tiến độ giao hàng…), góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động bán hàng, giải phóng sức lao động thủ công nặng nhọc, bảo vệ môi trường. Sử dụng phụ gia khoáng (tro bay, xỉ hạt hóa) để giảm hàm lượng clinker, giảm phát thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính và đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai dự án hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định nguồn điện, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Trước tiên có thể kể đến việc đầu tư cải tiến hệ thống tận dụng nguồn nhiệt thải để sấy máy nghiền xi măng thay thế nhiệt từ buồng đốt phụ giảm tiêu hao dầu DO, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải ra. Đối với dây chuyền sản xuất clinker, nhà máy còn tiếp tục đầu tư bổ sung hệ thống khử NOx theo phương pháp SNCR, góp phần chủ động hơn nữa trong giải pháp xử lý, nâng cao khả năng xử lý giảm hàm lượng NOx phát thải ra môi trường.
Nhà máy cũng tận dụng tối đa nguồn nước tháo khô mỏ từ moong khai thác đá vôi để xử lý, đưa về nhà máy tái sử dụng phục vụ cho sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đồng thời tiết kiệm chi phí sử dụng nguồn nước sạch đang sử dụng cho sản xuất.
Xi măng Đồng Lâm cũng sử dụng các nguồn nguyên liệu mới, sản phẩm phụ từ các ngành công nghiệp khác, nhất là các phụ gia khoáng bổ sung, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, cụ thể là đã thử nghiệm và đưa tro bay, xỉ hạt hóa vào sử dụng làm phụ gia khoáng hoạt tính trong sản xuất xi măng nhằm giảm lượng clinker sử dụng, giảm khí phát thải, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm diện tích bãi chứa, bãi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường cho các ngành công nghiệp khác…
Đầu tư công nghệ hướng đến sản xuất xanh (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)
Với đặc thù sản xuất có các công đoạn phát sinh bụi, khí thải, tiếng ồn... từ những ngày đầu hoạt động, Xi măng Đồng Lâm đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Trong đó, trang bị kho chứa kín, lắp đặt các lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện để thu bụi. Nhà máy đã cải tiến tận dụng nhiệt khí thải để sấy máy nghiền nhằm cắt giảm hoạt động của buồng đốt phụ, giảm phát thải, tiết kiệm chi phí.
Triển khai nhiều chương trình thử nghiệm, sử dụng sản phẩm phụ các ngành khác làm phụ gia, giảm clinker sử dụng góp phần giảm thiểu phát thải khí CO2; dự án trạm nghiền xi măng số 2 cũng được lắp đặt đầy đủ, đồng bộ hệ thống thiết bị cho việc sử dụng các sản phẩm phụ của ngành công nghiệp khác; đầu tư hệ thống xử lý khí thải NOx...
Các hệ thống xử lý, thu gom nước thải, khí thải, chất thải rắn... cũng như cơ sở hạ tầng, thiết bị hạn chế, ngăn ngừa phát thải chất thải gây ô nhiễm cũng được nhà máy đầu tư. Đến nay, đơn vị đã trồng cây phủ xanh toàn bộ khuôn viên nhà máy, hình thành những đai xanh "mềm", góp phần tạo ra môi trường làm việc trong lành, an toàn và hiệu quả.
Chính nhờ tạo lập, duy trì và phát triển có hiệu quả hệ thống các hoạt động trong quản lý môi trường, nên nhà máy luôn kiểm soát, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường lao động, cảnh quan, dân sinh, bảo đảm cao nhất an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động.
Cùng với duy trì áp dụng các giải pháp đã thực hiện, chiến lược phát triển bền vững trong tương lai của xi măng Đồng Lâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến, đổi mới, áp dụng các giải pháp tối ưu hóa vận hành, thiết bị để tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường; tối ưu hóa các chỉ tiêu định mức, ổn định chất lượng xi măng, đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như đảm bảo nhà máy hoạt động sản xuất ngày càng xanh hơn, bền vững hơn.Đầu tư công nghệ hướng đến sản xuất xanh ở xi măng Đồng Lâm.
Hương Linh