Với định hướng phát triển gắn liền với trách nhiệm môi trường và cộng đồng, Tập đoàn TH đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua loạt giải pháp cụ thể và bài bản.
Tập đoàn TH là doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp Việt trong chuyển dịch xanh. Đầu tháng 4/2025, hai đơn vị chủ lực của Tập đoàn TH là Công ty Cổ phần Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên đã chính thức nhận được chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014 từ tổ chức quốc tế Control Union. Đây là một bước tiến quan trọng, cho thấy toàn bộ phát thải carbon trong quá trình sản xuất tại hai nhà máy này đã được bù đắp thông qua các giải pháp giảm phát thải và các hoạt động môi trường tương ứng.
Công ty Cổ phần Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên đạt chứng nhận trung hòa carbon quốc tế. Ảnh: Việt Hùng
Theo ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH, trước đây nhà máy sử dụng dầu FO một loại nhiên liệu hóa thạch để vận hành lò hơi. Hiện tại, doanh nghiệp đã chuyển sang dùng sinh khối như vụn gỗ, dăm gỗ từ các cơ sở chế biến tại Nghệ An và Thanh Hóa. Giải pháp này giúp giảm tới 80% lượng phát thải carbon, đồng thời tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm.
Song song với đó, TH đẩy mạnh ứng dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm điện năng trong toàn bộ hệ thống sản xuất. Các mái nhà máy và trang trại bò sữa đã được lắp đặt hệ thống pin mặt trời, đèn chiếu sáng truyền thống được thay thế bằng đèn LED, và các tấm lấy sáng tự nhiên cho phép tận dụng đến 80% ánh sáng trời, góp phần giảm đáng kể chi phí điện năng tiêu thụ.
Đặc biệt, việc triển khai phần mềm quản lý năng lượng PMS đạt chuẩn ISO 50001 cho phép theo dõi, kiểm soát và tối ưu hóa việc sử dụng điện theo thời gian thực. Nhờ đó, hoạt động sản xuất không chỉ hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm tài nguyên và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia.
Tại Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên, các sáng kiến giảm nhựa trong bao bì sản phẩm cũng được triển khai đồng bộ. Chai nước được thiết kế mỏng và nhẹ hơn, loại bỏ màng co nắp, giảm độ dày của màng bọc lốc và ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Những cải tiến này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững đang ngày càng gia tăng.
TH đang từng bước xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, bằng cách tái sử dụng chất thải để tạo ra giá trị mới. Tại các trang trại, hệ thống xử lý phân bò cho phép tách nước và tái chế thành vật liệu lót chuồng hoặc phân bón hữu cơ. Nước thải từ quá trình sản xuất được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương.
Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở nội bộ doanh nghiệp, TH còn tích cực lan tỏa nhận thức về tiêu dùng bền vững trong cộng đồng. Các chương trình như thu gom vỏ hộp sữa, đổi vỏ lấy quà xanh… được triển khai tại nhiều trường học, siêu thị nhằm hình thành thói quen sống xanh, đặc biệt trong giới trẻ.
Theo ông Arghya Mandal, thế hệ tiêu dùng mới ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng đến quá trình sản xuất và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh: “Trung hòa carbon không chỉ là trách nhiệm với môi trường, mà còn là chiến lược sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Những bước đi của TH cho thấy cam kết mạnh mẽ trong thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời là minh chứng rõ nét cho khả năng đổi mới và tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp Việt trong xu thế kinh tế xanh đang lan rộng toàn cầu.
Tuệ Lâm