Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 12/10/2024 | 03:25 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam

07/09/2023

TÓM TẮT:
Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khẳng định kinh tế tuần hoàn (Circular Economy - KTTH) sẽ thay thế cho kinh tế tuyến tính, trở thành hướng đi chủ đạo để các quốc gia để hướng tới phát triển bền vững và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không. Bài viết nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn, chính là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Từ khóa: phát triển, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay ở Việt Nam, hoạt động sản xuất nông nghiệp (SXNN) không chỉ ở quy mô hộ gia đình, mà còn sản xuất với quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao đảm bảo tính cạnh tranh, các tiêu chí an toàn thực phẩm và môi trường chặt chẽ hơn, nhất là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand…, kể cả những thị trường truyền thống như: Trung Quốc. Do vậy, mô hình KTTH trong nông nghiệp là cơ hội tốt để thiết kế lại và thiết kế mới trong SXNN, nhằm giảm thiểu tối đa đầu vào nhưng vẫn đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm tốt hơn, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với diện tích đất và sử dụng nguồn nước của SXNN khi áp dụng mô hình KTTH.
2. Những đặc trưng cơ bản thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Nông nghiệp là 1 trong 3 nhóm ngành cấu trúc nên nền kinh tế, SXNN có đặc trưng riêng, gắn bó chặt chẽ với môi trường thiên nhiên, nhất là đất, nước và không khí. Dựa trên những tiêu chí cơ bản của mô hình KTTH, ngành SXNN có những đặc trưng chính sau:
Thứ nhất, về cơ bản SXNN gắn bó chặt chẽ với các thành phần của môi trường thiên nhiên như đất đai, nguồn nước, khí hậu và sinh vật. Những yếu tố này có đặc tính tự nhiên là khả năng tự điều chỉnh và tạo lập cân bằng mới, do vậy nếu có một sự can thiệp phù hợp sử dụng các yếu tố đầu vào của thiên nhiên trong SXNN sẽ là cơ hội tạo nên một cân bằng tự nhiên phù hợp có lợi cho SXNN và môi trường. Ngược lại, nếu sử dụng các yếu tố đầu vào của thiên nhiên không phù hợp sẽ gây ra trở ngại cho SXNN và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, mất cân bằng sinh thái. Chính vì lý do này, mô hình kinh tế tuần hoàn trong SXNN hướng đến tính cân bằng về mặt sinh thái và duy trì vốn có về các yếu tố của điều kiện tự nhiên.
Thứ hai, mô hình KTTH nói chung và trong SXNN nói riêng được hình thành dựa trên nguyên lý cân bằng vật chất và năng lượng, đặc biệt hiệu quả tổng thể do mô hình mang lại bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Động lực kinh tế kết hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ là những yếu tố chính thúc đẩy phát triển mô hình KTTH. Đối với SXNN là ngành có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai và thực hiện mô hình KTTH trong từng lĩnh vực cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi cũng như sự kết hợp gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi. Không chỉ vậy, đối với chế biến sản phẩm nông nghiệp, áp dụng mô hình KTTH sẽ thu hồi các phụ phẩm và các chất thải quay vòng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế về mặt tài chính mà còn bảo vệ môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn quy định những cam kết môi trường đối với các hiệp định thương mại, nhất là các Hiệp dựa trên nguyên lý cân bằng vật chất và năng lượng, đặc biệt hiệu quả tổng thể do mô hình mang lại bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.
Áp dụng mô hình KTTH đối với SXNN, từ khâu thiết kế đã phải tính tới chất thải đầu ra sẽ được tái sử dụng, tái chế, đầu vào cho hoạt động sản xuất khác nhằm đem lại hiệu quả kinh tế tổng thể lớn nhất. Như vậy đòi hỏi có sự liên kết, kết nối các ngành, lĩnh vực có khả năng tận dụng chất thải đầu ra của nhau. Ví dụ đối với sản xuất lúa gạo cần liên kết với doanh nghiệp sản xuất nấm từ rơm rạ, nơi sử dụng trấu làm năng lượng, vật liệu xây dựng... để tạo thành vòng tròn khép kín của hoạt động sản xuất.
3. Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong Nông nghiệp Việt Nam
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Năm 2022, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 3%. Đánh giá về kết quả tích cực của ngành Nông nghiệp vào sự ổn định, phát triển kinh tế chung, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm; quá trình tái cơ cấu đạt được nhiều kết quả tích cực. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính năm 2022 tăng 3,36% so với năm 2021, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27% điểm phần trăm; ngành Lâm nghiệp tăng 6,13% do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành Thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Không chỉ gặt hái thành công trong SXNN mà xuất khẩu nông sản Việt Nam còn đạt nhiều dấu ấn ấn tượng. Chất lượng nhiều sản phẩm chủ lực không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc,...
Kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm sản năm 2022 ước tính đạt 24,73 tỷ USD, chiếm 6,7% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tăng 3,9% so với năm trước. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước, như: Cà phê 3,9 tỷ USD (tăng 28,3% so với năm 2021); cao su 3,3 tỷ USD (tăng 1,1%); gạo 3,5 tỷ USD (tăng 7%); hồ tiêu 963 triệu USD (tăng 2,7%); sắn và sản phẩm sắn 1,4 tỷ USD (tăng 17,1%). Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt mốc 10,9 tỷ USD, chiếm 2,9% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tăng 23,1% so với năm 2021; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,9 tỷ USD, tăng 7,1%. Đây là 2 trong 8 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 10 tỷ USD trong năm 2022.
Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Á vẫn đứng vị trí số 1 với gần 45% thị phần, châu Mỹ chiếm 27% thị phần và châu Âu chiếm 11% thị phần. Năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ khoảng 6,2 tỷ USD; thứ 3 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD.
Mặc dù đạt được nhiều thành tích nổi bật nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Ngành Nông nghiệp vẫn phát triển chủ yếu dựa vào việc mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên thiên nhiên và phụ thuộc nhiều vào lao động và các yếu tố hóa học trong sản xuất như phân bón và thuốc trừ sâu, mà chưa quan tâm đến tính bền vững, sử dụng phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học, hay chưa quan tâm đến việc tận dụng các chất thải từ quá trình sản xuất, gây lãng phí các phế phụ phẩm nông nghiệp và ô nhiễm môi trường… Vì vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do SXNN gia tăng, cùng với biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn cho hoạt động SXNN.
Trong bối cảnh này, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình KTTH trong SXNN là xu thế tất yếu. Đây là mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và cho thấy hiệu quả. Việc chuyển đổi sang KTTH góp phần phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chuyển đổi sang nền kinh tuần hoàn trong nông nghiệp cần tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của SXNN.
Quan điểm KTTH được nhấn mạnh tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, cụ thể Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã khẳng định, khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030: Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ nhiệm vụ đến năm 2025: Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH.
Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến KTTH, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và nhiều nghị định, văn bản dưới luật. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Kinh tế tuần hoàn (Điều 142) là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tư duy về KTTH này cũng được lồng ghép trong các Điều, Khoản khác, như: đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường;…
Mới đây nhất, ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế.
Những chủ trương, chính sách này đã bước đầu định hướng và góp phần khuyến khích các mô hình KTTH trong nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến phát triển KTTH hiện nay vẫn nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định khác nhau, một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến KTTH còn chưa được làm rõ. Để khuyến khích và áp dụng mô hình KTTH vào thực tiễn nông nghiệp ở nước ta, cần phải có những chính sách, giải pháp và hành động thiết thực hơn nữa.
4. Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong Nông nghiệp Việt Nam
Thứ nhất, tăng cường nhận thức và năng lực thực hiện KTTH trong SXNN. Nhận thức là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện triển khai mô hình KTTH trong SXNN. Muốn vậy, cần phát huy vai trò của truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về KTTH trong SXNN chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cho người dân, doanh nghiệp và nhất là các nhà quản lý, tổ chức sản xuất trong ngành Nông nghiệp, chủ doanh nghiệp trong SXNN. Cùng với đó là phổ biến các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển mô hình KTTH của Đảng, những quy định của pháp luật, cũng như chính sách liên quan đến phát triển KTTH trong SXNN.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển KTTH trong SXNN. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách và pháp luật đã có về KTTH, cần tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện trong việc thực hiện mô hình KTTH trong SXNN, nhất là khuyến khích phát triển mô hình KTTH đối với từng lĩnh vực SXNN gắn với những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Sự gắn kết phát triển mô hình KTTH trong SXNN với các mô hình KTTH của các ngành khác, trên từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất. Sự gắn kết trong chuỗi của mô hình KTTH trong SXNN từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể.
Thứ ba, giải pháp khoa học công nghệ trong phát triển mô hình KTTH đối với SXNN. KHCN là khâu then chốt trong việc thúc đẩy phát triển mô hình KTTH trong SXNN. So với các ngành khác như công nghiệp hay dịch vụ, SXNN có tính đặc thù riêng gắn bó chặt chẽ với môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên, do vậy khoa học công nghệ cần tập trung vào đặc điểm này để phát huy thế mạnh của mô hình KTTH trong SXNN trong thiết kế giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải. Phát triển công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện KTTH trong SXNN phù hợp với từng loại mô hình KTTH của từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, lâm nghiệp.
Thứ tư, thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình KTTH trong SXNN. Xác lập thị trường cho sản phẩm mô hình KTTH của SXNN là động lực thúc đẩy phát triển mô hình KTTH, thị trường sản phẩm gồm thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, muốn vậy ngay từ triển khai phát triển mô hình KTTH trong SXNN đã xác lập được thị trường tiêu thụ để thiết kế mô hình.
Thứ năm, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình KTTH trong SXNN. Dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển các mô hình SXNN và các mô hình có điều kiện tốt chuyển đổi sang mô hình KTTH, các mô hình tiếp cận mô hình KTTH trong SXNN để làm căn cứ trao đổi và so sánh với các mô hình KTTH trong SXNN ở các nước đã thành công, từ đó chuyển giao mô hình và công nghệ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tổ chức các khóa tập huấn mời chuyên gia quốc tế trao đổi hướng dẫn, tham quan học hỏi các nước đã thành công trong triển khai thực hiện thành công mô hình KTTH trong SXNN, từ đó thiết kế trong chính sách triển khai thực hiện và tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, cần có giải pháp sớm đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mô hình KTTH trong SXNN từ khâu thiết kế đến triển khai thực hiện, công nghệ cũng như các yếu tố liên quan khác. Đào tạo cần thay đổi cách thức tiếp cận truyền thống trước đây, sang tiếp cận mới từ mô hình KTTT sang mô hình KTTH,
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội.
2. Quốc hội (2020). Luật số 72/2020/QH14, Luật Bảo vệ môi trường. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020.
3. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 152/QĐ-CP ngày 28/01/2022 về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
4. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về phê duyệt Đề án kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Dương Mạnh Hùng (2022). Nông nghiệp Việt Nam năm 2022 - Những điểm sáng nổi bật. Tạp chí Con số và Sự kiện, tháng 12.
The development of ircular economy in Vietnam’s agriculture sector
Ph.D Ho Thi Hien
Nghe An University of Economics
Abstract:
The United Nations Environment Program (UNEP) affirms that the circular economy will replace the linear economy. The circular economy has become the main development direction of countries towards sustainable growth and net zero emissions target. This paper is to analyze the circular economy – the economic model of production and consumption, which involves sharing, leasing, reusing, repairing, refurbishing and recycling existing materials and products as long as possible in order to minimize adverse economic impacts on the environment.
Keywords: development, circular economy, agriculture, agricultural production.
TS. Hồ Thị Hiền (Trường Đại học Kinh tế Nghệ An)
Nguồn: Tạp chí Công Thương