Ngày 05/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải

09:19 - 17/07/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26).
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Do đó, phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn dân, doanh nghiệp phải hành động với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần sớm thực hiện gồm: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh: VGP
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được nêu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26.
Các Bộ, ngành cần sớm hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; thu hút nguồn lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường; bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính như: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo đúng quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; tổ chức đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định quản lý tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc tích hợp sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trình Chính phủ trong quý II/2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tham khảo kinh nghiệm của các nước, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam bảo đảm việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 7/2023; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng tiêu chí về tăng trưởng xanh.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc khẩn trương thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 10/6/2023, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để thực sự trở thành động lực dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa trong các ngành, lĩnh vực then chốt, nhất là phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số…
Để chuẩn bị cho việc tổ chức Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP28 tại Dubai, (UAE), Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương chuẩn bị tốt, nhất là phối hợp các nội dung liên quan hội nghị. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam công bố với thế giới những việc đã làm được và tranh thủ thêm sự ủng hộ trong lĩnh vực này.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa… để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gắn phát triển xanh với phát triển bao trùm, phát triển nhanh và bền vững.
Khánh An