Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 03:36 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Giải bài toán xử lý chất thải trong chăn nuôi

16/07/2023

Việc biến chất thải trong chăn nuôi thành tài nguyên không chỉ giúp giảm gánh nặng cho người nông dân trong việc xử lý chất thải mà còn đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi đã kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải. Khác với quan niệm trước đây chất thải chỉ là thứ bỏ đi và không có giá trị, ngày nay, người nông dân đã tận dụng chúng để tái sử dụng - làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động khác, hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Các mô hình KTTH trong ngành chăn nuôi đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương trong nước và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình KTTH trong chăn nuôi phải kể như việc chăn nuôi gia súc gia cầm an toàn sinh học theo chu trình khép kín, chất thải trong trại nuôi được thu gom, xử lý để sản xuất khí đốt, điện và phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt; hay mô hình nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước,…
Cần nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Báo Lào Cai)
Để xử lý chất thải trong chăn nuôi khép kín, có thể kết hợp thêm việc canh tác các loại cây ăn trái để tận dụng nguồn chất thải. Cụ thể, người nông dân sẽ thu gom chất thải rắn trong chăn nuôi để ủ vi sinh làm phân bón, còn chất thải lỏng tận dụng để xử lý bằng biogas tạo khí đốt, nước thải sau biogas để tưới cho các loại cây trồng. Việc tận dụng toàn bộ chất thải để bón cho cây trồng sẽ giúp đất tơi xốp, màu mỡ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng cây trái, đồng thời giúp người nông dân tiết kiệm kha khá chi phí mua phân bón hóa học.
Còn về mô hình nuôi thuỷ sản tuần hoàn, thời gian gần đây, nông dân tại nhiều tỉnh thành phía nam như Hậu Giang, Tây Ninh, Trà Vinh,... đã kết hợp giữa việc nuôi cá rô đồng kết hợp cùng nuôi vịt và trồng lúa bước đầu đã cho thấy hiệu quả kép của mô hình. Mô hình này không những tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa cho cá sinh trưởng mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế sâu bệnh hại cho lúa, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm năng suất, chất lượng lúa.
Ảnh minh hoạ (Internet)
Mô hình lúa - cá - vịt được đánh giá là có tính sáng tạo cao và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế tại nhiều địa phương. Việc sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi vịt và nuôi cá tự nhiên theo quy trình tuần hoàn giúp giảm phát thải; đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, tăng lợi nhuận.
Hướng đi lâu dài
Mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng trên thực tế việc phát triển KTTH trong chăn nuôi còn gặp không ít khó khăn do nhận thức, năng lực tái chế, tái sử dụng chất thải của người nông dân còn thấp; việc sử dụng phụ phẩm còn nhiều lãng phí; quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải,...Do đó, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa mô hình KTTH trong chăn nuôi, cần tập trung các giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, rõ ràng về các thủ tục hành chính, tài chính, khả năng tiếp cận các nguồn lực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển KTTH trong chăn nuôi.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt - chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. 
Thứ ba, khuyến khích các mô hình trồng trọt - chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi KTTH, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thứ tư, tăng cường đào tạo, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nông dân để đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Thứ năm, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển mô hình KTTH trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mà các mô hình mang lại. 
Minh Khuê