Ngày 21/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Chuyển đổi xanh để đưa phát thải ròng về 0

10:23 - 16/07/2023
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VII-năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi xanh”.
Diễn đàn là cơ hội giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đóng góp ý tưởng, sáng kiến, đề xuất giải pháp trong kiểm soát, kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero (đưa phát thải ròng về 0) vào năm 2050.
Diễn đàn nhằm thay đổi nhận thức người dân, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero (đưa phát thải ròng về 0) vào năm 2050 (Ảnh: nld)
Theo ông Phạm Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP 26 đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là một thách thức vì các nghiên cứu cho thấy mức phát thải nhà kính của nước ta liên tục tăng.
"Do đó huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp vào cam kết này thì mới có thể thành công. Nếu chỉ cơ quan nhà nước tham gia thì việc giảm phát thải chưa đáng kể, mà doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất, công nghệ thích ứng với tăng trưởng xanh, mọi người dân có tư duy chuyển đổi xanh. Điều đó rất cần sự đồng hành của báo chí, truyền thông", ông Tấn nói.
Tại diễn đàn, nhiều vấn đề cấp thiết được các đại biểu nêu ra, như chuyển đổi xanh, tuần hoàn xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, là bước chuyển quan trọng để bảo đảm bền vững quốc gia. Các đại biểu cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp ở vùng nông thôn và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy, cơ quan quản lý cần xây dựng và ban hành chính sách để quản lý và phát triển doanh nghiệp ngày một hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng "xanh và bền vững".
Kết thúc diễn đàn, ông Lê Công Thành - thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ mong muốn và đề nghị mỗi đại biểu là một đại sứ lan tỏa, truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững.
Tuệ Lâm