Ngày 09/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Hoàn thiện quy định về EPR, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn

09:43 - 09/09/2021
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý lần cuối cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng. 
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là công cụ tiên tiến được nhiều quốc gia sử dụng trong việc quản lý chất thải rắn. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.
Tại Việt Nam, EPR được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường 2005, 5 nhóm ngành hàng là pin và ắc quy; điện và điện tử; săm lốp; dầu nhờn; ô tô và xe máy hiện đang là đối tượng thực hiện EPR theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất trong việc đóng góp kinh phí để thu hồi, xử lý sản phẩm sau sử dụng; chưa đặt ra tỷ lệ thu hồi, xử lý và chưa có cơ chế hiệu quả để thực hiện nên các doanh nghiệp còn thực hiện quy định này một cách cứng nhắc, mang tính đối phó.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm với sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. 
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản của cơ chế ERP giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chất thải rắn. ERP được thể chế hoá trong Chương quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tại Chương VII dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện lần cuối.
Theo dự thảo Nghị định, hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng gồm: tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 52 ban hành kèm theo Nghị định là đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 58 là đối tượng phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Quy định này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm, bao bì được sản xuất, nhập khẩu để bán, tiêu dùng và thải bỏ tại Việt Nam; không áp dụng đối với sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất.
Các sản phẩm quy định tại Phụ lục 52 là một số sản phẩm thuộc các ngành hàng điện, điện tử; pin- ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông và máy móc công trình; bao bì các loại. Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu được lựa chọn 2 hình thức để thực hiện trách nhiệm tái chế của mình là tổ chức tái chế (ở hình thức này nhà sản xuất có 3 lựa chọn bao gồm: tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế có đủ điều kiện, ủy quyền cho bên thứ ba tổ chức tái chế; nếu không lựa chọn hình thức thứ nhất thì có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Mức đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo định mức do Nghị định quy định căn cứ vào lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. Quỹ Bảo vệ môi trường sử dụng khoản thu được để hỗ trợ các hoạt động: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc và đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường được quyết định bởi Hội đồng EPR Quốc gia với các thành viên là đại diện các cơ quan quản lý có liên quan, đại diện cho từng nhóm nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế, đại diện các doanh nghiệp tái chế, các tổ chức môi trường và bảo vệ người tiêu dùng. Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng EPR Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tỷ lệ tái chế bắt buộc và định mức chi phí tái chế áp dụng theo từng giai đoạn.
Mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng.
ERP sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế. ERP được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.
Văn phòng SX&TDBV - Bản tin SX&TDBV số 2/2021