Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 15/05/2025 | 20:13 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng hệ thống logistics bền vững

15/05/2025

Ngày 15 tháng 5 năm 2025, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và Công nghệ mới trong phát triển logistics bền vững tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công - Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công - Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 14% đến 16% mỗi năm, logistics đang ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Báo cáo Agility 2022 đã chỉ rõ Việt Nam xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài đã đạt khoảng 60% - 70%, đóng góp từ 4% - 5% vào GDP quốc gia. Riêng trong năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 570 triệu tấn, tăng khoảng 14% so với năm trước.
Những con số tích cực này phản ánh sự cải thiện mạnh mẽ về năng lực hạ tầng, năng suất vận hành và sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành, cùng với nỗ lực không ngừng của khối doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, ngành logistics cũng đang đối mặt với nhiều thách thức: ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, chi phí vận hành cao và sự thiếu đồng bộ về công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là hướng đi chiến lược nhằm tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Ứng dụng KTTH trong logistics không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn tạo ra giá trị mới từ chuỗi cung ứng thông minh, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với thị trường.” ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị là cơ hội quan trọng để các bên trao đổi, chia sẻ và thảo luận về những xu hướng, cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy mô hình KTTH, ứng dụng công nghệ hiện đại và xây dựng hệ thống logistics bền vững – yếu tố then chốt trong quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, quy tụ tiếng nói từ nhiều bên liên quan, từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, tổ chức quốc tế, đến các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực logistics và phát triển bền vững. 
Hội nghị thu hút sự tham của đại diện các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES); các doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Maersk, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, CEL Consulting, Công ty CP Nhựa Tái Chế Duy Tân, Hiệp hội Logistics TP.HCM; cùng nhiều đối tác quốc tế như Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France (UPHF - Pháp), Viện Công nghệ Worcester (WPI - Hoa Kỳ) và Trường Đại học Logistics Kühne (KLU - Đức), Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France (UPHF - Pháp), Viện Công nghệ Worcester (WPI - Hoa Kỳ),...
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: SGGP)

Giáo sư Joseph Sarkis - Học viện Bách khoa Worcester, Hoa Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hội nghị nhận định, "xanh hóa" ngành logistics không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai các giải pháp công nghệ, bao gồm: tích hợp năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, và xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. “Nếu không hành động ngay từ bây giờ, doanh nghiệp sẽ dần đánh mất cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh doanh, thương mại trong tương lai, và có nguy cơ bị loại khỏi thị trường,” GS. Sarkis nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn cho rằng ngành logistics trên thế giới và tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng hiệu quả nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà là nhiệm vụ cấp thiết cần thực hiện ngay từ bây giờ. Theo ông , để ngành logistics phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng các giải pháp công nghệ và công nghệ số vào toàn bộ chuỗi hoạt động. Việc "xanh hóa" cần bắt đầu từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng cho đến xử lý phế thải, hướng tới một chuỗi cung ứng toàn diện, thân thiện với môi trường.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận xung quanh 4 chủ đề (1) Nâng cao nhận thức về nguyên tắc và thực tiễn cốt lõi của kinh tế tuần hoàn; (2) Tăng cường hiệu quả thông qua tối ưu hóa hoạt động logistics; (3) Hình dung tương lai phát triển bền vững với giải pháp logistics phát thải ròng bằng không; (4) Ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả; (4) Phát triển các chiến lược thực tiễn để triển khai hiệu quả. Các bài tham luận và phần thảo luận đã nêu bật được vai trò của đổi mới công nghệ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc phát triển logistics bền vững, thích ứng với các yêu cầu về môi trường và xu thế tiêu dùng mới.
Hội nghị “Kinh tế tuần hoàn và Công nghệ mới trong phát triển logistics bền vững tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tư duy phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ mang đến nhiều sáng kiến, giải pháp thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ mới, xây dựng mô hình logistics thân thiện môi trường, tăng cường năng lực quản trị chuỗi cung ứng và thúc đẩy KTTH ở cả cấp quốc gia và khu vực.
Hoạt động bên lề - Tham quan thực tế tại Công ty Giao Hàng Nhanh (GHN).
Ngày 16 tháng 5 năm 2025 các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có chuyến tham quan thực tế tại Công ty Giao Hàng Nhanh (GHN) để tìm hiểu mô hình phân phối hiện đại tại Trung tâm phân phối GHN đặt tại Khu công nghiệp SLP Park Xuyên Á (Đức Hòa, Long An), thăm trụ sở chính của doanh nghiệp tại Quận 10, TP.HCM và tham gia buổi trao đổi chuyên sâu với ban lãnh đạo tại Trung tâm học tập của GHN. Đây là cơ hội để các đại biểu tiếp cận thực tiễn ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics, đồng thời kết nối kiến thức lý luận với hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể của một trong những đơn vị giao nhận nội địa hàng đầu Việt Nam.
Tố Uyên