Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 18/10/2024 | 16:17 GMT+7

Tin hoạt động

Hải Phòng: Tình hình hoạt động khuyến công năm 2016, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017

20/01/2017

Với việc thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách - Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” đã góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố; các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn thành phố được đẩy nhanh tiến độ, đóng góp cho tăng trưởng trong năm 2016.

Thành phố bàn hành chương trình khuyến công thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020; bên cạnh đó các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm sớm khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức để ổn định kinh tế, tạo tăng trưởng bền vững, bảo đảm đời sống xã hội.

Với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Cục Công nghiệp địa phương-Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân thành phố, đặc biệt là Sở Công Thương, các cơ quan và đơn vị có liên quan, cùng với sự quyết tâm, cố gắng hết sức trong từng nhiệm vụ của tập thể lãnh đạo và viên chức, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai thực hiện 15 đề án thuộc 06 nội dung chương trình khuyến công, tổng kinh phí thực hiện là 2.595,636 triệu đồng, trong đó: kinh phí khuyến công hỗ trợ là 1.609,956 triệu đồng (kinh phí khuyến công quốc gia là 925 triệu đồng và kinh phí khuyến công địa phương là 684,956 triệu đồng); kinh phí đóng góp của đơn vị tham gia là 1.349,680 triệu đồng.

1. Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề: Tổ chức thực hiện các khóa đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn cho cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho 150 lao động; đào tạo nâng cao tay nghề cho 60 lao động.
2. Chương trình nâng cao năng lực  quản lý doanh nghiệp: Tổ chức khoá tập huấn chương trình khởi sự doanh nghiệp công nghiệp nông thôn cho 180 học viên; Tổ chức cho 28 lượt người tham gia đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển nghề trong nước.
3. Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho 05 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng giá trị vốn đầu tư thu hút được khoảng 1.308,080 triệu đồng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế CNNT phát triển.
4. Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn: Tổ chức 04 gian hàng triển lãm tại Hội chợ triển lãm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2016, tham gia bình chọn sản phẩm CNNT cấp khu vực; Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia 16 gian hàng tại Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng huyện Vĩnh Bảo.
5. Chương trình tư vấn trợ giúp, hướng dẫn cơ sở CNNT: Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp phát triển sản phẩm chủ lực của 01 cơ sở CNNT.
6. Chương trình cung cấp thông tin: Duy trì cung cấp thông tin tuyên truyền thường xuyên trên trang tin điện tử (Website) Khuyến công Hải Phòng; xuất bản Tờ gấp Khuyến công 02 kỳ/năm; xuất bản Bản tin Công Thương hàng quý, hàng năm.

Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức/cá nhân thụ hưởng hoặc đơn vị phối hợp theo đúng nội dung, tiến độ và chấp hành đầy đủ các quy định tài chính hiện hành; Quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định và đạt hiệu quả; Công tác thanh quyết toán đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn quy định.

Năm 2017, phấn đấu góp phần thực hiện Chương trình công tác của ngành Công Thương cũng như kế hoạch hành động của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể như sau:
Phát huy hiệu quả bộ máy hoạt động của Trung tâm đã được kiện toàn, thực hiện tốt chức năng phục vụ quản lý nhà nước ngành Công Thương, đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp có hiệu quả.

Chủ động đề xuất, kịp thời tham gia, đóng góp ý kiến dự thảo, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công; hướng dẫn, cụ thể hoá chính sách trong hoạt động khuyến công. Bám sát nội dung Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và đề án khuyến công, đảm bảo tính thiết thực cao, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Triển khai đồng thời các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin với tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác. Tăng cường các hoạt động hợp tác, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn khác để đẩy mạnh xã hội hoá khuyến công. Hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng lớn.

Đẩy mạnh hoạt động công tác khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; huy động nguồn tài trợ cho công tác khuyến công; đẩy mạnh hỗ trợ về đào tạo tay nghề, đào tạo về quản lý, cải tiến mẫu mã, bao gói, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng, ưu tiên xây dựng và triển khai các đề án, nhiệm vụ khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.