Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 12/12/2024 | 10:31 GMT+7

Tin hoạt động

Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững

11/10/2024

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Hamburg về Phát triển Bền vững (HSC) lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 7-8/10.
Tại đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Đức, Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức - châu Á Thái Bình Dương (OAV) để bàn về các vấn đề quan trọng như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và thu hút đầu tư.
Thủ tướng nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững (HSC) Olaf Scholz (đứng giữa hàng đầu) chụp ảnh với các lãnh đạo nhà nước và chính phủ tại Hamburg. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Hội nghị HSC, với sự tham gia của khoảng 1.600 đại biểu từ 102 quốc gia, tập trung tìm kiếm giải pháp cho các thách thức trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ). Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, chia sẻ trách nhiệm và đóng góp tài chính cho khí hậu. Tổng Giám đốc UNDP, Achim Steiner, cũng kêu gọi hành động cụ thể sau ‘Hiệp ước Tương lai’ được ký kết tại Đại hội đồng LHQ.
Đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu làm việc với Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang, Svenja Schulze. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức Svenja Schulze, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển mối quan hệ Đối tác Chiến lược với Đức. Các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng 11/2022 và Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier tháng 1/2024 đã tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước, đặc biệt là trụ cột thương mại - đầu tư, giúp Đức duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á. Phó Thủ tướng đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Bộ trưởng Svenja Schulze bày tỏ chia sẻ về những thiệt hại to lớn do siêu bão Yagi gây ra đối với nhân dân Việt Nam; đánh giá cao sự tham gia chủ động và tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị HSC, cho rằng Việt Nam nhận thức rất rõ các thách thức toàn cầu hiện nay đối với phát triển bền vững, rất có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy sớm hiện thực hoá các SDG. Bà cũng khẳng định hợp tác với Việt Nam rất quan trọng với Đức, đặc biệt là phối hợp triển khai các dự án trong khuôn khổ JETP và trong khuôn khổ song phương.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp bà Tariye Gbadegesin, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF) bên lề Hội nghị Hamburg về Phát triển bền vững. Ảnh: Phương Hoa PV TTXVN tại Đức
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam làm việc với bà Mafalda Duarte, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Cùng ngày, Phó Thủ tướng cũng gặp gỡ Giám đốc điều hành CIF và GCF, mời các quan chức này tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư của Diễn đàn cấp cao Đối tác vì phát triển xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) tại Hà Nội vào năm 2025. Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và đề nghị hỗ trợ tài chính để đạt được các SDG. Các Giám đốc điều hành CIF và GCF ghi nhận và đánh giá cao những cam kết, nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định việc ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận các nguồn lực tài chính.
Tại buổi làm việc với OAV, Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước tận dụng các lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư, và đề nghị các bên xem xét kết nối đối tác, mở ra các mảng hợp tác mới phù hợp với thế mạnh bổ trợ và nhu cầu của hai nước. 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cam kết tạo mọi điều thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu vào làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam; kêu gọi các doanh nghiệp Đức đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, bán dẫn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, sản xuất hydrogen xanh...
Các tập đoàn và doanh nghiệp Đức đánh giá cao các thành tựu kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam trong những năm qua và cam kết của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế hướng đến tính hiệu quả và bền vững, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp Đức bày tỏ vui mừng được trao đổi với Phó Thủ tướng và rất hài lòng nhận được những giải đáp thoả đáng, cụ thể về khuôn khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức; Bày tỏ sự quan tâm đối với thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam duy trì được môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, thuận lợi, trong khi các doanh nghiệp Đức đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường đầu tư tại châu Á.
Nguồn: Báo tin tức