Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

09:28 - 15/07/2023
Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài
Ngày 9/2, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V- LEEP) tổ chức Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch hành động).
Hội thảo có sự tham gia của hơn một trăm đại diện đến từ các cơ quan/đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các bộ ngành và cơ quan chính phủ có liên quan, các đối tác phát triển quốc tế, Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp, hiệp hội, và các cơ quan báo chí & truyền thông trong nước. Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương có sự tham gia của các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, và các nhà khoa học.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu cụ thể, đến năm 2025, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 được rà soát, đánh giá tác động và lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và thương mại quốc gia được đánh giá rà soát và xây dựng các biện pháp ứng phó, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của thiên tai, mưa bão, lũ lụt, khí hậu cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh của ngành Công Thương. USAID sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để thực hiện Kế hoạch hành động thông qua việc hỗ trợ triển khai các dự án năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời huy động đầu tư của khu vực tư nhân vào các công nghệ năng lượng tiên tiến.
Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Ứng phó với Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết một số nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện đến năm 2025.
"Mục tiêu mà theo NDC -2022 vừa mới được điều chỉnh thì về cơ bản chúng tôi bám theo mục tiêu của chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Từ nay đến năm 2025 giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với kịch bản lĩnh vực năng lượng, chúng tôi sẽ phấn đấu giảm từ 25-30% (không bao gồm lĩnh vực giao thông vận tải); và 100% các cơ sở thuộc danh mục – theo Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính - sẽ phải tuân thủ quy định này. Về mục tiêu tăng trưởng xanh, chúng tôi cũng phấn đấu nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn nguyên nhiên, vật liệu trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như dệt may, thép, nhựa, da giầy, tất cả ngành công nghiệp. Và về tiêu dùng, chúng tôi cũng phấn đấu tăng tỷ lệ hệ thống phân phối xanh trong các trung tâm siêu thị, thương mại lớn trên cả nước lên 85%...".
Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đồng thời với tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt; thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; phát triển ô tô điện tại Việt Nam cũng là các giải pháp quan trọng được đưa ra. Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiện các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, "ngay cả trong kịch bản do cơ quan năng lượng quốc tế đưa ra thì vấn đề đầu tiên được nêu ra chính là việc phải đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực từ phát điện cho tới sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong khối các ngành công nghiệp, trong các tòa nhà dân dụng cũng như trong các tòa nhà công sở… Chúng ta có thể thấy rõ ràng là để có thể tiến tới được Net-Zero cũng như tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo thì việc quản lý được nhu cầu, tức là quản lý được phụ tải tiêu dùng điện ở mức phù hợp với đặc thù của hệ thống là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rất rõ ràng là việc tiết kiệm năng lượng cũng giúp một phần nào đó cắt giảm được việc đầu tư vào nguồn điện - đây đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong điều kiện các nguồn đầu tư cho các dự án nguồn điện của chúng ta cũng còn rất hạn chế…".
Từ thực tế việc triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu thời gian qua cho thấy vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc tài trợ, hỗ trợ không hoàn lại các nguồn tài chính cũng như hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ là vô cùng quan trọng. 
Tại Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP II) do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), USAID đã hỗ trợ cơ quan quản lý nghiên cứu, rà soát kinh nghiệm quốc tế và chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và đề xuất khung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050…
"Mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20%" - ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
Phát biểu tại hội thảo ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.
"Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường" - ông Tăng Thế Hùng nhấn mạnh.
Ông Tăng Thế Hùng khẳng định, hỗ trợ của USAID là hết sức kịp thời và có ý nghĩa quan trọng giúp xác định các hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. 
Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thời gian qua USAID đã hỗ trợ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nghiên cứu, rà soát kinh nghiệm quốc tế và chính sách quốc biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và đề xuất khung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hỗ trợ của USAID là hết sức kịp thời và có ý nghĩa quan trọng giúp xác định các hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kinh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.
Trong thời gian tới, USAID tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương trong thiết kế và triển khai các kế hoạch chiến lược để đẩy nhanh quá trình sản xuất và truyền tải năng lượng sạch trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong quá trình Việt Nam chuyển dịch cơ cấu năng lượng từ một hệ thống dựa vào than đá sang một hệ thống dựa vào năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý và chuyên môn địa phương, các cơ quan doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động và các nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương.
Hương Linh