Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 14:22 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam thử nghiệm công cụ quản lý rò rỉ nhựa

03/08/2022

Công cụ được phát triển từ Dự án rò rỉ nhựa (PLP) do IUCN và EA Quantis dẫn đầu với sự hợp tác của 35 tổ chức công, tư và khoa học. ​

Công cụ khoa học này có thể được sử dụng để lập bản đồ, đo lường và dự báo rò rỉ nhựa dọc theo chuỗi giá trị của một công ty hiện đã có sẵn để giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, theo IUCN. Được phát triển từ Dự án Rò rỉ nhựa (PLP), công cụ mới là kết quả của sáng kiến ​​do IUCN và EA Quantis dẫn đầu, hợp tác với 35 tổ chức công, tư và khoa học.

“Công cụ mới sẽ giúp các công ty xây dựng chiến lược dựa trên dữ liệu để ngăn chặn ô nhiễm nhựa”, bà Julien Boucher, Giám đốc Trung tâm thiết kế sinh thái, EA cho biết.

Công cụ có thể được sử dụng để lập bản đồ, đo lường và dự báo rò rỉ nhựa dọc theo chuỗi giá trị của một công ty.

Công cụ PLP cung cấp khung đánh giá việc thải và chuyển nhựa ra môi trường tự nhiên. Bằng cách thực hiện các đánh giá này, doanh nghiệp có thể biết các điểm nóng về nhựa trong chuỗi giá trị của họ, hiểu mức độ rò rỉ đang xảy ra và ở đâu, đồng thời xác định các yếu tố gây ra nó.

Người ra quyết định của doanh nghiệp, nhà quản lý bền vững, nhà thiết kế sản phẩm và bao bì, các nhóm nghiên cứu và phát triển, nhóm tiếp thị có thể sử dụng công cụ này để phát triển các chiến lược về nhựa, đồng thời xác định các ưu tiên và hành động để giảm hoặc loại bỏ sự rò rỉ nhựa.

Theo thông tin từ các hội thảo trực tuyến của PLP, 50 doanh nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan đã được tiếp cận công cụ này. Các hội thảo đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về các điểm nóng rò rỉ nhựa ở hai quốc gia, trình bày chi tiết về công cụ và hướng dẫn PLP. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được tìm hiểu về một nghiên cứu điển hình về cách các công ty có thể phát triển chiến lược kiểm soát rò rỉ nhựa dựa trên cơ sở khoa học. Những người tham gia đã chia sẻ kiến ​​thức và thách thức của họ, và hiểu rõ hơn về cách công cụ này có thể mang lại lợi ích cho công ty.

Tại các hội thảo, các doanh nghiệp được thực hành lập bản đồ kiến ​​thức về nhựa, bản đồ hành động và tóm tắt khoảng trống kiến ​​thức cho mỗi loại hành động và tác động lên vòng đời sản phẩm. Từ các hoạt động cho thấy đại diện doanh nghiệp nắm được kiến thức về vòng đời nhựa mà họ kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn có nhu cầu và mong muốn có dữ liệu tốt hơn về các giai đoạn khác trong vòng đời nhựa.

“Phương pháp luận của PLP có thể giúp các công ty xác định rò rỉ nhựa trong suốt chuỗi giá trị của họ và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu. INSEE Ecocycle có thể đưa ra một giải pháp cho các công ty Việt Nam để giảm thiểu rác thải nhựa: đồng xử lý nhựa không thể tái chế trong sản xuất xi măng”, ông Bruno Fux, Giám đốc tuần hoàn sinh thái và bền vững, SCC Việt Nam cho biết.

Paradorn Chulajata, Giám đốc Điều hành của Prepack Thái Lan, cho biết “Chương trình Hợp tác đối tác công - tư trong quản lý bền vững chất thải và nhựa giúp một số công ty giảm rò rỉ nhựa. Tuy nhiên, dữ liệu và hệ thống vẫn chưa hoàn thiện để thực sự tạo ra sự khác biệt trong việc giảm rò rỉ nhựa ra môi trường. Như vậy, các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau để thực sự thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Các buổi hội thảo cho thấy mức độ tham vọng thường cao hơn so với triển khai thực tế. Theo các đại diện doanh nghiệp, hiện đang thiếu dữ liệu và thước đo đầy đủ để ưu tiên cho các hành động, dựa trên tác động và hiệu quả thực tế, xuyên suốt chuỗi giá trị của họ.

Từ kết quả hội thảo trên cho thấy vai trò quan trọng của chính sách và khuôn khổ pháp lý về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam và Thái Lan. Ông Gerard Bos, Giám đốc Chương trình Kinh doanh và Đa dạng sinh học của IUCN cho biết: “Việc đo lường tác động và tiến độ đạt được các mục tiêu EPR là điều cấp thiết để tìm ra giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu.” Đại diện IUCN cũng đặt niềm tin vào công cụ PLP như một giải pháp hiệu quả hỗ trợ các công ty theo dõi, báo cáo và ưu tiên thực hiện hành động để được các mục tiêu EPR.

Hải Yến biên dịch (Theo Eco-Business)