Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 13:07 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Dùng chất thải động vật và phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân vi sinh

15/03/2022

Bằng việc sử dụng phân động vật và phế phẩm nông nghiệp tạo thành phân vi sinh. Ông Kiên Minh Trí tại Trà Vinh đã có những bước đi đột phá trong việc phát triển kinh tế tại quê hương, đồng thời giúp cho việc phát triển kinh tế  xanh càng trở lên hiệu quả.
Mô hình của ông Kiên Minh Trí, sinh năm 1977 tại ấp Qui Nông B, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đã góp phần bảo vệ môi trường, giúp nông dân thay đổi canh tác sản xuất, tạo nông sản sạch hướng đến hàng hóa đạt chất lượng an toàn thực phẩm.
Ông Kiên Minh Trí (trái) kiểm tra khâu đóng bao bì phân bón hữu cơ vi sinh.
Ông Trí từng là giáo viên dạy môn Anh Văn, năm 2000, ông quyết tâm rời quê hương đi làm ăn xa từ trong và ngoài nước. Sau nhiều năm làm thuê xa xứ, khi tích lũy được vốn cũng như kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực vi sinh hữu cơ. Cùng với đó, ông nhận thấy Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và chăn nuôi; lượng chất thải động vật và phế phẩm nông nghiệp ngày càng nhiều nên đến năm 2020, ông về lại quê hương ấp Qui Nông B đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải động vật và phế phẩm nông nghiệp và thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Công nghệ TV từ tháng 12/2021 đến nay, giải quyết việc làm cho 15 lao động với thu nhập 06 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trí cho biết: ủ phân bón hữu cơ vi sinh, điều quan trọng khâu khử mùi bằng nước vi sinh và ủ sinh học sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện Công ty mới đi vào hoạt động nên còn gặp không ít khó khăn về đầu ra. Công ty sản xuất trung bình 30 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày phục vụ cho các nhà vườn trồng trọt và cây ăn trái ở các tỉnh miền Tây, miền Đông: Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang,… xuất bán khoảng 100 tấn phân/tuần.
Có thể nói việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiện đã và đang là hướng đi đúng, tạo điều kiện giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trước những bất lợi thời tiết và sâu bệnh. Đồng thời, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn là lĩnh vực mới và tiềm ẩn những khó khăn, nhất là nguồn vốn gắn kết với liên kết thị trường. Vì vậy, các ngành, các cấp cần quan tâm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ ngày càng hiệu quả hơn.
Nhật Minh