Ngày 19/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Hội nghị COP26 - Nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

08:42 - 18/11/2021
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam
Theo thông tin từ Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác tại COP26 đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong công tác ứng phó với Biến đổi khí hậu. 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cho biết “Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu; kêu gọi tất cả các nước thiết lập các cam kết để giảm phát thải nhà kính trên cơ sở trách nhiệm chung. Thăm chính thức Cộng hòa Pháp, hai bên đã nhất trí cùng xây dựng kế hoạch tổng thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ để làm cơ sở đưa quan hệ Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26. Ảnh: Reuter. 
Trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".
Cũng tại COP26, thay mặt Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký vào Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sáng điện sạch. Theo Tuyên bố này, Việt Nam và một số quốc gia cam kết nhanh chóng mở rộng quy mô công nghệ và chính sách trong thập niên này để đạt được quá trình chuyển đổi từ sản xuất điện than vào những năm 2030 (hoặc càng sớm càng tốt) cho các nền kinh tế lớn và trong những năm 2040 (hoặc càng sớm càng tốt sau đó) trên toàn cầu.
Giới quan sát nhận định, Việt Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế hướng đến mục tiêu chung là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. 
Theo những cam kết đã công bố, đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Đồng thời sẽ tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%.
Dự thảo COP26 với kêu gọi loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch
COP26 thu hút sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Ảnh: TTXVN.
Sau khi kết thúc sự kiện, nước chủ trì Anh đã đưa ra Dự thảo tuyên bố chung COP26. Dự thảo sẽ phải được các nước tham dự hội nghị đàm phán và thống nhất. Dự thảo dài 7 trang kêu gọi các quốc gia tăng cường các mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 và lần đầu tiên, kêu gọi loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch. Trong đó nhấn mạnh để đạt được mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, cần có hành động có ý nghĩa và hiệu quả trong thập kỷ này, và kêu gọi các quốc gia đưa ra các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào cuối năm 2022. 
Dự thảo đồng thời xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030 trong các kế hoạch quốc gia, để phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris.
Tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào dự thảo, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. 
Khoản tài trợ dành cho cho các nước đang phát triển được xem xét là cần nhiều hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay cam kết này chỉ có thể được thực hiện sớm nhất vào năm 2022. 
Ngoài ra, dự thảo cũng có nội dung trong đó yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2023 để xem xét tiến triển của các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu cho năm 2030.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết ông mong đợi "văn bản gần như cuối cùng" sẽ sớm được công bố, nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng của hội nghị sẽ định hướng tương lai cho các thế hệ mai sau. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả các nước đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong những ngày qua, song "vẫn còn một chặng đường dài phía trước". Ông Johnson kêu gọi tất cả các quốc gia cần thảo luận với tham vọng lớn hơn nếu muốn đạt mục tiêu hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Thanh Thanh t/h