Ngày 25/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Mạng lưới khu vực Châu Á hành động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

08:36 - 22/11/2019
Ngày 21 tháng 11, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình thúc đẩy Sản xuất và Tiêu dùng bền vững của Liên minh châu Âu (Chương trình Switch Asia) tổ chức hội nghị Mạng lưới khu vực châu Á về sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Hà Nội. 
Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện đến từ gần 30 quốc gia châu Âu và châu Á, Liên minh châu Âu, các đơn vị nhận tài trợ của Chương trình Switch Asia,... Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tham dự hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng
Phát biểu chào mừng hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc thay đổi cách thức sản và tiêu dùng theo hướng bền vững hơn, thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. 
Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường tổng thể, hiệu suất của sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng, kích thích nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm và công nghệ sản xuất chất lượng hơn, đồng thời giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt. 
Ông Giorgio Alibert – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Liên minh châu Âu cam kết giải quyết những thách thức toàn cầu này cùng với các đối tác ở châu Á và Trung Á. ​Theo ông Giorgio Alibert – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, hội nghị nhằm tập hợp những đơn vị nhận tài trợ từ Chương trình Switch Asia để cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức chung cũng như trong các dự án thuộc cùng lĩnh vực hoặc khác nhau. Sự kiện cũng sẽ phân tích đóng góp của những đơn vị này để đối thoại chính sách với chính phủ quốc gia cũng như các cơ hội để nhân rộng các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua đầu tư công và đầu tư tư nhân, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Giorgio Alibert cũng gửi lời cảm ơn trân trọng tới Bộ Công Thương đã hỗ trợ Chương trình Switch Asia tổ chức hội nghị lần này. 
Đại biểu tham dự hội nghị
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng giúp các quốc gia châu Á và Trung Á thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chính là việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát thải khí nhà kính và chất thải cũng tăng lên. Ngày nay, sự bền vững không còn đơn giản chỉ là tăng cường nỗ lực hay tuân thủ các quy định nữa mà nó là việc tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức kinh doanh và tiêu dùng. Để làm được việc này, cần thiết phải xem xét lại các mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng và những mô hình tiêu dùng mới. 
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các diễn giả đã tập trung trình bày về các khung chính sách quốc gia và khu vực, đóng góp của sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 
Trình bày tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chương trình hành động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững như Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Chiến lước Sản xuất sạch hơn giai đoạn 2009 – 2020 và Kế hoạch hành động Sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2006 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2030. Với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành và đơn vị liên quan, những chương trình này đã và đang được triển khai và đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận. 
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững trình bày tham luận tại hội nghị
“Trước khi các chương trình, kế hoạch hành động này được ban hành, bản dự thảo được xin ý kiến đóng góp từ rất nhiều Bộ, ngành, đơn vị liên quan. Sau đó, tổ soạn thảo thu thập, tổng hợp những ý kiến đóng góp này để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo nhằm tạo ra sự thống nhất, hiệu quả tốt nhất”, Vụ trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh. 
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, đại biểu đã được lắng nghe nhiều bài tham luận của các đại diện đến từ Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Thái Lan, Mongolia và Sri Lanka với nhiều nội dung liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngày mai, 22 tháng 11, hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra với hàng loạt tham luận tập trung về nền kinh tế ít các-bon, nền kinh tế tuần hoàn, quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa, cơ hội tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất  sản phẩm, dịch vụ và công nghệ xanh,…
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững