Ngày 19/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

Thái Nguyên quan tâm xử lý nguồn rác thải công nghiệp

09:47 - 16/07/2019
Mặc dù có lượng rác thải công nghiệp phát sinh lớn, nhưng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và đã ký hợp đồng với các đối tác đủ năng lực để xử lý triệt để nguồn rác thải.
Thời gian qua, cùng với việc thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thì lượng rác thải công nghiệp phát sinh ra môi trường trên địa bàn Thái Nguyên cũng tăng theo. Vì vậy, việc xử lý hiệu quả nguồn rác thải này đã, đang được cơ quan chức năng và doanh nghiệp quan tâm...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn (khoảng 1.200 tấn/ngày). Lượng rác chủ yếu tập trung tại 4/6 khu công nghiệp và 19/32 cụm công nghiệp đang hoạt động. Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện tại, trong quá trình sản xuất, các đơn vị cơ bản thực hiện nghiêm túc những quy định về bảo vệ môi trường, không tồn tại điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ, dây truyền sản xuất cũng như hệ thống xử lý chất thải đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại nên lượng phát thải về khói, bụi, nguồn nước, chất thải rắn đã được xử lý trước khi đưa ra môi trường...
Đối với hoạt động xuất công nghiệp, bên cạnh việc phát sinh lượng rác thải thông thường, nhiều lĩnh vực còn phát sinh nguồn chất thải nguy hại. Đây là những nguồn chất thải phải được quản lý, xử lý chặt chẽ theo quy trình, bởi không quản lý tốt sẽ để lại hậu quả lớn về ô nhiễm môi trường.
Tính đến hết năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải cho 219 đơn vị (các chủ nguồn thải nguy hại bắt buộc phải có sổ đăng ký do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp). Hiện, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 60 mã chất thải nguy hại (Theo danh mục chất thải nguy hại quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT), trong đó, tập trung chủ yếu các loại chất thải, như: Linh kiện điện tử, hóa chất, dung môi hữu cơ; các loại dầu tổng hợp, cặn lắng chứa kim loại nặng, dầu mỡ... Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh chiếm 23% lượng rác thải công nghiệp (khoảng 270 tấn/ngày). Trong năm 2018, lượng chất thải nguy hại phát sinh hơn 138.300 tấn, riêng Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên phát sinh gần 124.000 tấn.
Để xử lý chất thải công nghiệp, nhất là chất thải nguy hại bên cạnh việc quản lý, thời gian qua tỉnh đã quan tâm đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị được cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, gồm: Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng có địa chỉ tại xóm Quyết Tính 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), công suất xử lý hơn 38.500 tấn/năm; Công ty Cổ phần Môi trường Việt Xuân được cấp phép xử lý tại xóm 2, xã Minh Đức (Phổ Yên), công suất xử lý hơn 220.000 tấn/năm; Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc có cơ sở tại Điềm Thụy (Phú Bình), công suất xử lý 30.000 tấn/năm; Công ty Vương Anh có cơ sở tại xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), công suất xử lý 90.000 tấn/năm. Ngoài ra, có 21 chủ hành nghề quản lý chất thải ngoại tỉnh đang tiếp nhận thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Việt Xuân cho biết: Để đầu tư xây dựng được Nhà máy xử lý chất thải nguy hại thì cần nguồn lực rất lớn và phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, từ văn bản pháp lý, dây truyền công nghệ đến xe vận chuyển đều phải đảm bảo yêu cầu. Nhưng, nhận thấy Thái Nguyên là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh ở thời điểm hiện tại và trong tương lai nên chúng tôi quyết định đầu tư nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại xã Minh Đức (T.X Phổ Yên). Hiện nay, nhà máy đang hoạt động ổn định.
Bà Hoàng Thị Liên, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường đánh giá: Việc có các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp nói chung, chất thải nguy hại nói riêng đã góp phần giúp các doanh nghiệp có nguồn thải thuận lợi trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tiết kiệm một phần chi phí, do giảm khoảng cách từ khu sản xuất đến cơ sở xử lý chất thải. Cùng với việc tăng cường xử lý của cơ quan chức năng, khi có các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp đã góp phần giảm thiểu tình trạng đổ trộm chất thải ở một số nơi trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lượng rác thải công nghiệp tăng nhanh và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi Thái Nguyên đang thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Vì vậy, để quản lý, xử lý nguồn rác thải công nghiệp đạt hiệu quả, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát, Thái Nguyên cần có quy hoạch các khu xử lý mang tính lâu dài tại những địa phương có tốc độ phát công nghiệp nhanh.
Dương Hưng t/h